Thuế giá trị gia tăng (’’GTGT’’) là sắc thuế quan trọng cần lưu ý trong các kế hoạch hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, với tính chất là một sắc thuế gián thu, thuế GTGT còn có liên hệ sâu sắc đến các kế hoạch về dòng tiền của doanh nghiệp, thông qua các cơ chế hoàn thuế, khấu trừ thuế. Trong bài viết này, RSM Việt Nam sẽ phân tích những điểm quan trọng về thuế GTGT mà doanh nghiệp cần chú ý.
Nội dung chính:
1. Phạm vi áp dụng
Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa và dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân nước ngoài). Công ty trong nước phải tính thuế GTGT trên giá trị hàng hóa và dịch vụ bán ra.
Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT. Công ty có nghĩa vụ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu cho cơ quan hải quan cùng với thuế nhập khẩu. Dịch vụ nhập khẩu chịu thuế GTGT theo cơ chế thuế NTNN.
Thuế GTGT phải nộp được xác định bằng thuế GTGT đầu ra trừ đi thuế GTGT đầu vào được khấu trừ phát sinh từ việc mua hàng hóa và dịch vụ. Để khấu trừ thuế GTGT đầu vào, người nộp thuế phải có đầy đủ hóa đơn thuế GTGT hợp lệ do bên bán cung cấp. Để khấu trừ thuế GTGT nộp ở khâu nhập khẩu, người nộp thuế phải có chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước và đối với thuế GTGT của thuế NTNN thì phải có chứng từ nộp thuế GTGT thay cho NTNN.
2. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
Trong trường hợp này, công ty không phải kê khai và nộp thuế GTGT đầu ra trong khi thuế GTGT đầu vào có liên quan vẫn được khấu trừ. Những trường hợp này bao gồm:
Các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, trừ trường hợp trao đổi để thực hiện một số dịch vụ nhất định;
Tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính;
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam và dịch vụ được thực hiện tại nước ngoài, bao gồm: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị; quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại ra nước ngoài; môi giới bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, đào tạo, một số dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế;
Chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa;
Công ty bán sản phẩm nông nghiệp cho công ty ở khâu thương mại chưa được chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua khâu sơ chế thông thường;
Một số hình thức góp vốn bằng tài sản;
Thu đòi người thứ ba của hoạt động bảo hiểm;
Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hoá, dịch vụ của cơ sở kinh doanh (ví dụ: nếu Công ty A mua hàng hoá/dịch vụ từ Công ty B, nhưng trả tiền cho Công ty C và sau đó Công ty C trả tiền cho Công ty B thì khoản thanh toán Công ty C trả cho Công ty B không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT);
Doanh thu hoa hồng được hưởng từ hoạt động (i) đại lý bán đúng giá quy định của bên giao đại lý hưởng hoa hồng của các dịch vụ: bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy; và (ii) đại lý vận tải quốc tế; đại lý của các dịch vụ ngành hàng không, hàng hải mà được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; và (iii) đại lý bảo hiểm;
Doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT;
Hàng hóa đã xuất khẩu sau đó tái nhập khẩu vào Việt Nam trong trường hợp phía nước ngoài trả lại hàng.
3. Đối tượng không chịu thuế GTGT
Những loại hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế GTGT theo quy định bao gồm:
Một số sản phẩm nông nghiệp;
Hàng hóa/dịch vụ cung cấp bởi các cá nhân có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm;
Giàn khoan, tàu bay và tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu hoặc thuê từ nước ngoài để tạo tài sản cố định;
Chuyển quyền sử dụng đất (“QSDĐ”) (có hướng dẫn cụ thể cho một số trường hợp);
Các dịch vụ tài chính phái sinh, các dịch vụ tín dụng (bao gồm cả phát hành thẻ tín dụng, cho thuê tài chính và bao thanh toán); bán tài sản bảo đảm tiền vay thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do người đi vay thực hiện theo ủy quyền của người cho vay nhằm mục đích thanh toán khoản nợ có đảm bảo bằng tài sản và dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng;
Kinh doanh chứng khoán bao gồm quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
Chuyển nhượng vốn;
Kinh doanh ngoại tệ;
Bán nợ;
Một số dịch vụ bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nông nghiệp và tái bảo hiểm);
Dịch vụ y tế; Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật;
Dạy học, dạy nghề;
Xuất bản và phát hành báo, tạp chí, và một số loại sách;
Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt;
Chuyển giao công nghệ, phần mềm và dịch vụ phần mềm, ngoại trừ phần mềm xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%;
Vàng nhập khẩu dưới dạng miếng chưa được chế tác thành đồ trang sức;
Tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu chưa chế biến hoặc tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu đã chế biến thành sản phẩm khác có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% trở lên;
Thiết bị, máy móc, vật tư trong nước chưa sản xuất được được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;
Thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò và phát triển các mỏ dầu và khí đốt;
Hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp sau đây: hàng viện trợ quốc tế không hoàn lại, bao gồm cả hàng viện trợ từ chương trình Viện trợ Phát triển Chính thức, tặng phẩm của tổ chức nước ngoài cho các cơ quan chính phủ và cho các cá nhân (theo quy định);
Phân bón, thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn vật nuôi khác, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
4. Thuế suất thuế giá trị gia tăng
Có ba mức thuế suất thuế GTGT như sau:
0%: Mức thuế suất này áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, bao gồm cả hàng hóa bán vào khu phi thuế quan và công ty chế xuất hàng gia công chuyển tiếp hoặc xuất khẩu tại chỗ (theo quy định), hàng hóa bán cho cửa hàng miễn thuế, một số dịch vụ xuất khẩu, hoạt động xây dựng và lắp đặt công trình cho công ty chế xuất, dịch vụ hàng không, hàng hải và vận tải quốc tế.
5%: Mức thuế suất này thường áp dụng cho các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế có liên quan với việc cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, bao gồm: nước sạch; dụng cụ giảng dạy; sách; thực phẩm chưa qua chế biến; thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; thực phẩm chăn nuôi; một số sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp; dịch vụ khoa học và công nghệ; mủ cao su sơ chế, đường và các phụ phẩm; một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và nhà ở xã hội.
10% Đây được coi là mức thuế suất "phổ thông" áp dụng cho các đối tượng chịu thuế GTGT nhưng không được hưởng mức thuế suất 0% hoặc 5%.
Nếu không xác định được một mặt hàng thuộc loại hàng hóa nào theo biểu thuế quy định, thì công ty phải tính và nộp thuế GTGT theo mức thuế suất cao nhất cho loại hàng hóa mà công ty cung cấp.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
Hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, bao gồm tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan, sẽ được hưởng mức thuế suất thuế GTGT 0% nếu hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng bên ngoài Việt Nam hoặc trong khu phi thuế quan.
Để được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu (trừ các dịch vụ vận tải quốc tế), các tài liệu chứng minh bao gồm hợp đồng, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, tờ khai hải quan (đối với hàng hóa xuất khẩu).
Một số dịch vụ không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%, bao gồm: quảng cáo, khách sạn, đào tạo, giải trí, du lịch lữ hành cung ứng tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài và một số dịch vụ cung cấp cho công ty trong khu phi thuế quan (bao gồm dịch vụ cho thuê nhà, dịch vụ vận chuyển đưa đón người lao
động, một số dịch vụ ăn uống) và dịch vụ cung cấp gắn với việc bán, phân phối sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam.
5. Phương pháp tính, kê khai và nộp thuế GTGT
Có hai phương pháp tính, kê khai và nộp thuế GTGT là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Phương pháp 1 - Phương pháp khấu trừ
Phương pháp này áp dụng cho các cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật bao gồm:
Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ chịu thuế GTGT hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên; và
Một số trường hợp tự nguyện đăng ký kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Xác định số thuế GTGT phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Cách tính thuế GTGT đầu ra
Thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế (chưa bao gồm thuế) nhân với thuế suất thuế GTGT. Đối với hàng hóa nhập khẩu, giá tính thuế là giá chịu thuế nhập khẩu cộng (+) thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng (+) phí bảo vệ môi trường (nếu có). Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp (trừ bất động sản), giá tính thuế là giá bán trả một lần chưa có thuế GTGT của hàng hóa đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, trả chậm.
Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trong nước, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được xác định dựa trên hóa đơn thuế GTGT mua hàng hóa, dịch vụ. Đối với hàng hóa nhập khẩu, vì không có hóa đơn GTGT, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được xác định dựa trên chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu. Hóa đơn thuế GTGT có thể được kê khai và khấu trừ vào bất kỳ thời điểm nào trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Thuế GTGT đầu vào cho hàng hóa, dịch vụ có trị giá từ 20 triệu đồng trở lên chỉ được khấu trừ khi có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Thuế GTGT đầu vào nộp thay cho các NTNN (theo chế độ thuế NTNN) cũng được khấu trừ khi tính thuế.
Các công ty cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ không chịu thuế GTGT thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Ngược lại, công ty cung cấp hàng hóa và dịch vụ hưởng thuế suất thuế GTGT 0% hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trong trường hợp một công ty vừa có doanh thu chịu thuế GTGT và doanh thu không chịu thuế GTGT, thì công ty đó chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của phần hàng hóa hoặc dịch vụ mua vào được sử dụng trong hoạt động chịu thuế GTGT.
Phương pháp 2 – Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT Phương pháp này áp dụng đối với:
– Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT hàng năm thấp hơn 1 tỷ đồng;
– Cá nhân và hộ kinh doanh;
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không theo Luật Đầu tư hoặc các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;
– Cơ sở kinh doanh vàng, bạc và đá quý.
Xác định thuế GTGT phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) Thuế suất thuế GTGT
Trường hợp trong kỳ tính thuế phát sinh giá trị gia tăng âm từ hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào giá trị gia tăng dương của hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý trong cùng kỳ đó.
Trường hợp không có phát sinh giá trị gia tăng dương hoặc giá trị gia tăng dương không đủ bù trừ giá trị gia tăng âm thì được kết chuyển để trừ vào giá trị gia tăng của kỳ sau trong năm nhưng không được kết chuyển tiếp sang năm sau.
Phương pháp kê khai thuế GTGT đã lựa chọn phải được duy trì trong 2 năm liên tục.
Chiết khấu và khuyến mãi
Chiết khấu, giảm giá thường làm giảm doanh thu tính thuế GTGT. Tuy nhiên, một số loại chiết khấu có thể không được coi là khoản giảm trừ doanh thu tính thuế GTGT và phải tuân theo một số quy định và điều kiện cụ thể.
Hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng nội bộ
Hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng nội bộ không phải chịu thuế GTGT đầu ra nếu hàng hóa, dịch vụ này được dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kê khai, nộp thuế
Tất cả các tổ chức và cá nhân sản xuất hoặc kinh doanh hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tại Việt Nam phải đăng ký mã số thuế GTGT. Trong một số trường hợp, chi nhánh phải đăng ký và kê khai riêng thuế GTGT.
Công ty có các hoạt động kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nhau nhưng các hoạt động này được hạch toán tập trung tại trụ sở chính, phải kê khai thuế tập trung tại trụ sở chính, nhưng phân bổ và nộp số thuế phải nộp theo từng địa bàn cấp tỉnh tương ứng. Tuy nhiên, điều này không áp dụng trong một số trường hợp nhất định đối với các lĩnh vực như giao thông vận tải, bảo hiểm, xây dựng, điện, v.v…
Người nộp thuế phải nộp tờ khai thuế GTGT hàng tháng, chậm nhất là vào ngày thứ 20 của tháng kế tiếp hoặc hàng quý, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo (áp dụng đối với các công ty năm trước có doanh thu từ 50 triệu đồng/năm trở xuống).
Hoàn thuế GTGT
Việc hoàn thuế GTGT chỉ được áp dụng cho một số trường hợp nhất định, bao gồm:
Công ty xuất khẩu có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết trên 300 triệu đồng. Thuế GTGT hàng xuất khẩu được hoàn theo tháng hoặc theo quý phù hợp với kỳ kê khai thuế GTGT của công ty. Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được hoàn (đáp ứng điều kiện hoàn thuế) không vượt quá 10% doanh thu xuất khẩu (có thể đây chỉ là sự trì hoãn về thời gian hoàn thuế). Hoàn thuế GTGT có thể áp dụng cho hàng nhập khẩu hàng sau đó xuất khẩu không qua gia công với một số điều kiện nhất định;
Dự án đầu tư mới của công ty áp dụng phương pháp kê khai khấu trừ đang trong giai đoạn đầu tư tiền hoạt động và có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật và dự án đầu tư chưa góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký thì không được hoàn thuế GTGT – trong những trường hợp này, số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết được kết chuyển sang kỳ tiếp theo để khấu trừ thuế GTGT đầu ra trong tương lai;
Một số dự án ODA, miễn trừ ngoại giao, người nước ngoài mua hàng hóa tại Việt Nam để tiêu dùng ngoài Việt Nam.
Trong các trường hợp khác, số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết được kết chuyển sang kỳ tiếp theo để khấu trừ thuế GTGT đầu ra trong tương lai.
6. RSM Việt Nam có thể giúp gì cho doanh nghiệp?
Các dịch vụ của chúng tôi bao gồm:
Dịch vụ hỗ trợ kê khai thuế GTGT hàng tháng/quý;
Dịch vụ soát xét thuế chuyên sâu;
Dịch vụ tư vấn thường xuyên;
Dịch vụ hỗ trợ thanh tra thuế;
Dịch vụ tư vấn theo vụ việc;
Dịch vụ hỗ trợ hoàn thuế GTGT;
Dịch vụ hỗ trợ quan hệ Chính phủ
Hãy gọi cho chúng tôi ngay hôm nay để cùng tìm hiểu xem các chuyên gia tư vấn thuế của chúng tôi có thể hỗ trợ gì cho công tác tuân thủ thuế GTGT của doanh nghiệp.
Comments