I. Văn bản quy định chung
1. Thông tư 23/2023/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức,, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tinh thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
CQ Ban hành: Bộ Tài chính. Ngày hiệu lực: 25/04/2023
Tại Thông tư 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 nội dung bao gồm hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
1.1. Tiêu chuẩn xác định tài sản cố định
Điều 3 Thông tư 23/2023/TT-BTC quy định tiêu chuẩn xác định tài sản là tài sản cố định được quản lý, tính hao mòn, khấu hao tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi thỏa mãn 2 điều kiện:
Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên.
Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.
Tuy nhiên đối với tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ được xác định là tài sản cố định khi đáp ứng 02 điều kiện:
Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên.
Đáp ứng điều kiện về nguyên giá tài sản cố định theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp.
1.2. Phân loại tài sản cố định
Theo đó, phân loại tài sản cố định của cơ quan nhà nước như sau:
- Phân loại theo tính chất, đặc điểm tài sản gồm:
Tài sản cố định hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất, có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định.
Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động.
Tài sản cố định đặc thù là những tài sản không xác định được chi phí hình thành hoặc không đánh giá được giá trị thực nhưng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ về hiện vật (như: cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử được xếp hạng, tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm...), tài sản cố định là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Phân loại theo nguồn gốc hình thành tài sản:
Tài sản cố định hình thành do mua sắm.
Tài sản cố định hình thành do đầu tư xây dựng.
Tài sản cố định được giao, nhận điều chuyển.
Tài sản cố định được tặng cho, khuyến mại (bao gồm cả trường hợp nhà cung cấp đổi tài sản cũ bằng tài sản mới sau một thời gian sử dụng theo chính sách của nhà sản xuất/nhà cung cấp).
Tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa (chưa được theo dõi trên sổ kế toán).
Tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Tài sản cố định được hình thành từ nguồn khác.
Bên cạnh đó, thời gian tính hao mòn và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định hữu hình có thể xem tại phụ lục 01 và phụ lục 02 của thông tư 23/2023/TT-BTC.
Thông tư 23/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/6/2023 và thay thế Thông tư 45/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018.
2. Văn bản số 10/VBHN-BCT - Thông tư bổ sung danh mục chi tiết theo mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại một số thông tư của bộ công thương.
CQ Ban hành: Bộ Công thương. Ngày ban hành: 24/04/2023
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư bổ sung của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại một số Thông tư của Bộ Công Thương, cụ thể như sau:
Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.
Hướng dẫn việc cấp chứng nhận và thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô nhằm thực thi các quy định của quy chế chứng nhận quy trình Kimberley.
Quy định chi tiết một số điều của các Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá.
Quy định về xuất khẩu than.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 01 năm 2020.
3. Quyết định 13/2023/QĐ-TTG ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
CQ Ban hành: Thủ tướng Chính phủ. Ngày ban hành: 22/05/2023
Ngày 22/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 13/2023/QĐ-TTg ban hanh Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Theo đó, Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất gồm 5 nhóm phế liệu sau đây:
Nhóm 1: Phế liệu sắt, thép, gang.
Nhóm 2: Phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic).
Nhóm 3: Phế liệu giấy.
Nhóm 4: Phế liệu thủy tinh.
Nhóm 5: Phế liệu kim loại màu.
Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa.
Kể từ ngày 01/6/2023, việc nhập khẩu xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép (có mã HS 2618 00 00) làm nguyên liệu sản xuất xi măng được thực hiện theo quy định của pháp luật sản phẩm, hàng hóa về vật liệu xây dựng.
Về việc nhập khẩu một số phế liệu đã được cấp phép trước ngày 01/6/2023
Phế liệu giấy có mã HS 4707 90 00 đã bị loại khỏi Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất từ ngày 01/6/2023.
Tuy nhiên, nếu phế liệu này đã được cấp giấy phép môi trường thành phần trước ngày 01/6/2023 thì được tiếp tục nhập khẩu đến hết hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần.
Các phế liệu và mẩu vụn của nhựa có mã HS 3915 90 00 được phép nhập khẩu theo giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường được cấp trước ngày 01/6/2023 được tiếp tục nhập khẩu đến hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp.
Các loại phế liệu được phép nhập khẩu theo giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường được cấp trước ngày 01/6/2023 có tên gọi khác nhưng mã HS không thay đổi thì được tiếp tục nhập khẩu đến hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp.
4. Công văn 1483/TCT-KK triển khai thu nộp thuế theo mã định danh khoản phải nộp
CQ ban hành: Tổng Cục thuế. Ngày ban hành: 24/04/2023
Ngày 24 tháng 4 năm 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 1483/TCT-KK-2023 nhằm triển khai thu nộp thuế theo mã định danh khoản phải nộp, nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý thuế. Hình thức này sẽ giúp tăng cường tính chính xác và đồng bộ trong việc thu thập và xử lý dữ liệu thuế.
Công văn cũng yêu cầu các cơ quan thuế cung cấp hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ để các đơn vị nộp thuế có thể thực hiện quy định này một cách thuận tiện và chính xác nhất. Đồng thời, công văn cũng thông báo về việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc nộp thuế.
Công văn có nêu ra một số điểm mới trong việc triên khai nộp thuế, các khoản phải thu khác thuộc ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan thuế quản lý thu theo ID khoản phải nộp mà cơ quan thuế cần lưu ý.
Trong công văn này, TCT đưa ra hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện các nội dung sau:
Tra cứu tình hình xử lý nghĩa vụ thuế tại Cổng TTĐT của TCT
Lập Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước tại Cổng TTĐT của TCT
Tra soát, điều chỉnh thông tin theo ID khoản phải nộp
Với mỗi nội dung trên, TCT đưa ra những điểm mới trong cách thức thực hiện cũng như hướng dẫn chi tiết khi thực hiện trên cổng TTĐT của TCT và trên các ứng dụng. Theo đó, cách thức thực hiện trên các ứng dụng phân hệ doanh nghiệp và cá nhân cũng được trình bày chi tiết.
Công văn cũng đưa ra danh sách các cán bộ hỗ trợ cục thuế trong khoản triển khai theo mã định danh khoản phải nộp, cụ thể xem tại phụ lục 03 kèm theo công văn số 1483/TCT-KK ngày 24/4/2023 của Tổng cục Thuế.
5. Công văn số 2114 TCHQ-GSQL hướng dẫn thực hiện chứng nhận xuất nhập khẩu theo mẫu RCEP
CQ ban hành: Tổng Cục Hải quan. Ngày ban hành: 05/05/2023
Ngày 5 tháng 5 năm 2023, dựa trên cơ sở thông báo từ Ban thư ký ASEAN trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Tổng Cục Hải quan ban hành hướng dẫn như sau:
C/O mẫu RCEP mới được cấp bởi Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT): Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc thực thi Hiệp định RCEP theo mẫu mới kể ngày 01/5/2023.
Danh sách mẫu chữ ký cán bộ có thẩm quyền cấp C/O của Trung Quốc:Trung Quốc không thông báo danh sách mẫu chữ ký cán bộ có thẩm quyền cấp C/O của nước này trên trang thông tin điện tử của Ban thư ký ASEAN do đã thông báo trang thông tin điện tử để tra cứu thông tin C/O trong khuôn khổ Hiệp định RCEP.
6. Công văn số 2140/TCHQ-GSQL hướng dẫn vướng mắt đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử
CQ Ban hành: Tổng cục Hải quan. Ngày ban hành: 8/5/2023
Nhận được vướng mắc trong quá trình thực hiện điểm 1 công văn số 3923/TCHQ-GSQL, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 2140/TCHQ-GSQL hướng dẫn xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được gửi qua chuyển phát nhanh.
Theo đó, người mua đặt hàng qua một trang thương mại điện tử vào nhiều ngày hoặc qua nhiều trang thương mại điện tử nhưng hàng hóa được vận chuyển về Việt Nam cùng một ngày và thuộc cùng một vận đơn chủ có trị giá hải quan từng đơn hàng không quá 1.000.000 đồng sẽ được hưởng định mức miễn thuế.
7. Thông báo số 2298/TB-TTKQH về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT
CQ Ban hành: Ủy ban Thường vụ Quốc hội . Ngày ban hành: 13/05/2023
Ngày 13/05/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và đưa ra kết luận về Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, cụ thể như sau:
Thống nhất bổ sung dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng vào Chương trình kỳ họp thứ 5, đồng thời trình Quốc hội xem xét, thủ tục ngắn gọn và đưa vào nội dung Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5.
Thống nhất phạm vi áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng như đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, thời gian áp dụng Nghị quyết từ ngày 01/07/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách để hoàn thiện hồ sơ về giảm thuế giá trị gia tăng để trình lên Quốc hội.
II. Văn bản tham khảo khác
1. Công văn số 2036/TCHQ-TXNK để giải đáp thắc mức về thủ tục hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu
CQ Ban hành: Tổng cục Hải quan. Ngày ban hành: 27/4/2023
Công văn quy định thủ tục hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh sau đó xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài như sau:
Khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm sản xuất từ hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh, người nộp thuế phải kê khai trên tờ khai xuất khẩu về việc sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hàng hóa nhập khẩu trước đây.
Khi làm thủ tục hoàn thuế, người nộp thuế phải kê khai chi tiết sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hàng hóa nhập khẩu thuộc tờ khai nhập khẩu nào, lượng nguyên liệu vật tư đã sử dụng, định mức sử dụng thực tế... theo Mẫu số 10 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 18/2021/NĐ-CP và nộp các chứng từ liên quan để cơ quan hải quan xem xét xử lý hoàn thuế nhập khẩu
2. Công văn số 2093/TCHQ-TXNK hướng dẫn việc hoàn thuế nhập khẩu cho sản phẩm gia công nước ngoài
CQ Ban hành: Tổng cục Hải quan. Ngày ban hành: 4/5/2023
Công văn đã chỉ ra trường hợp về miễn thuế xuất khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, bán thành phẩm được sản xuất từ toàn bộ hàng hóa nhập khẩu giao sản xuất, gia công lại. Trong trường hợp này, công ty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu, sau đó giao bán thành phẩm được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu thuê nước ngoài gia công, sẽ được miễn thuế xuất khẩu.
Công ty thuê sản xuất, gia công sản phẩm tại nước ngoài rồi nhập khẩu trở lại Việt Nam sẽ chịu thuế mức thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/2016/TT-BTC (được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá của nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công và phải chịu thuế đối với phần trị giá còn lại của sản phẩm theo mức thuế suất thuế nhập khẩu của sản phẩm gia công nhập khẩu).
Sản phẩm gia công nhập khẩu được tiếp tục gia công tại Việt Nam sau đó xuất khẩu ra nước ngoài không thuộc các trường hợp hoàn thuế nhập khẩu quy định tại Điều 19 Luật thuế XNK số 107/2016/QH13.
Về việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT khâu nhập khẩu, Công ty cần liên hệ với cơ quan thuế để được hướng dẫn cụ thể.
3. Công văn số 1798/TCT-TTKT quy định về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp
CQ Ban hành: Tổng cục Thuế. Ngày ban hành: 16/5/2023
Công văn quy định về việc rà soát, xử lý thuế đối với hành vi mua bán hóa đơn không hợp pháp, trong đó công bố danh sách 524 doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn và yêu cầu các Cục Thuế tập trung rà soát, xử lý vi phạm về thuế đối với hóa đơn xuất bán ra của các doanh nghiệp này.
Trong trường hợp, doanh nghiệp thuộc cơ quan thuế quản lý đã sử dụng hóa đơn của một trong 524 doanh nghiệp trên thì phải giải trình, làm rõ việc sử dụng hóa đơn để tính vào chi phí tính thuế TNDN, khấu trừ thuế GTGT/hoàn thuế GTGT, hợp thức hàng hóa mua trôi nổi, buôn lậu.
Đồng thời, trường hợp doanh nghiệp xuất hóa đơn bán ra cho doanh nghiệp địa phương khác phát hành năm 2020, 2021, 2022, không có trong dữ liệu hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế thì cần kịp thời có văn bản thông báo đến cơ quan thuế liên quan và tiến hành nhập thông tin lên ứng dụng xác minh hóa đơn để phối hợp, đối chiếu, rà soát và xử lý theo quy định.
Comments