I. Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu
CQ ban hành: Quốc hội
Ngày ban hành: 29/11/2023. Ngày hiệu lực: 01/01/2024
Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 (“Nghị quyết 107”) quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để phù hợp với bộ quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của Diễn đàn hợp tác chung về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận mà Việt Nam là thành viên.
Trong đó, các nội dung nổi bật đáng chú ý gồm:
1. Người nộp thuế tối thiểu toàn cầu
Mức thuế suất tối thiểu 15% áp dụng đối với người nộp thuế là công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ ít nhất 02 năm trong 04 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu EUR trở lên, trừ 07 đối tượng được quy định trong Nghị quyết.
2. Quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT)
Quy định này áp dung cho đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính.
Trường hợp đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành tại Việt Nam có thu nhập theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu và thuế suất thực tế tại Việt Nam dưới mức thuế suất tối thiểu thì thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn tại Việt Nam được xác định như sau:
Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Số thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện tại (nếu có)
Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn sẽ được xác định bằng 0 (không) trong một năm tài chính nếu đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành trong năm tài chính liên quan đáp ứng đồng thời doanh thu bình quân dưới 10 triệu EUR và thu nhập bình quân dưới 01 triệu EUR hoặc lỗ.
3. Quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR)
Công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần và công ty mẹ trung gian tại Việt Nam hiện đang nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài tại bất kỳ thời điểm nào trong năm tài chính phải khai và nộp thuế theo quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu bằng phần thuế phân bổ từ thuế bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của các đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp ở nước ngoài trong năm tài chính.
Tổng số thuế bổ sung tại một nước = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Số thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có) - Số thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (nếu có).
Số thuế bổ sung tại một nước sẽ được xác định bằng 0 (không) trong một năm tài chính nếu đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành trong năm tài chính liên quan đáp ứng đồng thời doanh thu bình quân dưới 10 triệu EUR và thu nhập bình quân dưới 01 triệu EUR hoặc lỗ.
4. Kê khai, nộp thuế và quản lý thuế:
Đối với quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn: Thời hạn nộp các Tờ khai và thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính.
Đối với quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu: Thời hạn nộp các Tờ khai và thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung chậm nhất là 18 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với năm đầu tiên tập đoàn đa quốc gia thuộc đối tượng áp dụng; thời hạn chậm nhất là 15 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với các năm tiếp theo.
Đơn vị hợp thành tại Việt Nam hoặc đơn vị được chỉ định theo thông báo (trong trường hợp có nhiều đơn vị hợp thành tại Việt nam) của tập đoàn đa quốc gia có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu
II. Nghị định số 84/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giai đoạn 2022-2027
CQ ban hành: Chính phủ
Ngày ban hành: 01/12/2023. Ngày hiệu lực: 01/12/2023
Theo đó, bổ sung thêm 02 quốc gia thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định RCEP (sau đây gọi là thuế suất RCEP), bao gồm:
Cộng hoà Liên bang Mi-an-ma: áp dụng thuế suất RCEP trong năm 2022 (từ ngày 04/3/2022 đến ngày 31/12/2022) và năm 2023 (từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2023);
Cộng hoà Phi-líp-pin: áp dụng thuế suất RCEP trong năm 2023 (từ ngày 02/6/2023 đến ngày 31/12/2023)
Đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Cộng hoà Liên bang Mi-an-ma đã đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 04/03/2022, và hàng hóa được nhập khẩu từ Cộng hoà Phi-líp-pin đã đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 02/06/2023 đến trước ngày 01/12/2023, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế suất RCEP theo quy định và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
III. Thông tư số 13/2023/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững 2022-2025
CQ ban hành: Bộ kế hoạch và đầu tư
Ngày ban hành: 12/12/2023. Ngày hiệu lực: 27/01/2024
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 13/2023/TT-BKHĐT hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025" kèm theo quyết định số 167/QĐ-TTg năm 2022
1. Hỗ trợ về tư vấn
Theo đó, hỗ trợ về tư vấn bao gồm các vấn đề như: Tư vấn tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ; tư vấn về sở hữu trí tuệ; tư vấn giải pháp chuyển đổi số; tư vấn để doanh nghiệp xây dựng; tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới; tư vấn tìm kiếm thông tin, truyền thông;… và các vấn đề khác. Doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và được hỗ trợ theo nội dung và định mức tương ứng quy định tại Điều 11, Điều 22, Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
Tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư; tư vấn về nhân sự, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ, tư vấn xây dựng chiến lược, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng kinh doanh bền vững và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp: thực hiện hỗ trợ theo định mức quy định đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
2. Hỗ trợ công nghệ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững lựa chọn nội dung hỗ trợ về công nghệ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và được hỗ trợ theo nội dung và định mức tương ứng quy định tại Điều 22, Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, cụ thể:
Hỗ trợ kiểm định, hiệu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm, dịch vụ; hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm kinh doanh bền vững (bao gồm thử nghiệm sản phẩm mới), hoàn thiện sản phẩm (bao gồm hoàn thiện sản phẩm mới), mô hình kinh doanh bền vững; Hỗ trợ chi phí, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chi phí chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng;
Hỗ trợ chi phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường;
Hỗ trợ chi phí cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; Hỗ trợ chi phí đặt hàng các cơ sở, viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ; Hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số.
3. Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và được hỗ trợ theo nội dung và định mức tương ứng quy định tại Điều 22, Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP như sau:
Hỗ trợ chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử;
Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài
IV. Công văn số 5435/TCT-CS của Tổng cục thuế ban hành hướng dẫn về việc xác định mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) của hàng hóa, dịch vụ
CQ ban hành: Tổng Cục thuế
Ngày ban hành: 04/12/2023
Trả lời vướng mắc của doanh nghiệp về thuế GTGT, Tổng Cục thuế đã ban hành công văn hướng dẫn như sau:
Đối với trường hợp công ty kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ bán hàng hóa, dịch vụ cho người mua thì công ty cần thực hiện đối chiếu hàng hóa, dịch vụ mà công ty sản xuất, kinh doanh với nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP như sau:
Trường hợp công ty thực hiện hoạt động xây dựng, lắp đặt có thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền được xác định từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 thì thuộc trường hợp được giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị định số 44/2023/NĐ-CP;
Trường hợp công ty thực hiện sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất GTGT 10% và không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT quy định tại phụ lục trên thì thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị định số 44/2023/NĐ-CP từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023;
Trường hợp công ty thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT quy định tại phụ lục trên thì không được giảm thuế GTGT.
Trường hợp công ty sản xuất, kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất GTGT khác nhau thì phải khai thuế GTGT theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu Công ty không xác định được theo mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà Công ty sản xuất, kinh doanh.
V. Công văn số 13870/BTC-TCHQ hướng dẫn về việc sử dụng chứng từ thay thế hóa đơn bán hàng doanh nghiệp chế xuất
CQ ban hành: Bộ Tài chính
Ngày ban hành: 18/12/2023
Ngày 18/12/2023, Bộ Tài chính ban hành công văn số 13870/BTC-TCHQ hướng dẫn nộp chứng từ thay hóa đơn bán hàng đối với các doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp trong khu phi thuế quan bán hàng hóa vào nội địa như sau:
1. Đối với thủ tục xuất khẩu tại chỗ
Người khai hải quan chưa phát hành được hóa đơn bán hàng do chưa hoàn thành việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì nộp Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (bản chụp) thay hóa đơn bán hàng thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan cho cơ quan hải quan.
2. Đối với thủ tục nhập khẩu tại chỗ
Người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 58 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC và nộp hồ sơ kèm hóa đơn bán hàng ghi chú "Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan" thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan cho cơ quan hải quan.
VI. Công văn số 6372/TCHQ-GSQL 2023 hướng dẫn việc thực hiện thông tư 33/2023/TT-BTC, liên quan đến quy định về xác định xuất xứ hàng nhập khẩu, xuất khẩu
CQ ban hành: Tổng cục Hải quan
Ngày ban hành: 11/12/2023
Tổng cục Hải quan hướng dẫn để đảm bảo các đơn vị thực hiện thống nhất quy định tại Thông tư số 33/2023/TT-BTC như sau:
1. Về việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Đối với Hàng hóa thuộc Danh mục tại Phụ lục V Thông tư số 33/2023/TT-BTC là hàng hóa có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát, vì vậy việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa là bắt buộc, trường hợp không có thì hàng hóa sẽ không được thông quan
2. Về việc kiểm tra, đối chiếu thông tin về C/O
Trường hợp C/O được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu thông báo thì cơ quan hải quan căn cứ thông tin về C/O khai trên tờ khai hải quan để đối chiếu, kiểm tra tính hợp lệ của C/O, không yêu cầu người khai hải quan phải nộp C/O
Trường hợp trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu thông báo không có đầy đủ các thông tin về C/O để cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định được tính hợp lệ của C/O thì cơ quan hải quan ngoài việc đối chiếu, kiểm tra các thông tin về C/O trên trang thông tin điện tử còn phải đối chiếu, kiểm tra C/O dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan), các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan và kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) để xác định tính hợp lệ của C/O.
3. Thủ tục từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP
Trường hợp cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định chứng từ là không hợp lệ: Từ chối ngay tại thời điểm thông quan.
Trường hợp cơ quan hải quan chưa có đủ cơ sở từ chối ngay tại thời điểm thông quan:
Bước 1: Thực hiện thủ tục xác minh theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 33/2023/TT-BTC.
Bước 2: Nhận được kết quả xác minh nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi.
Bước 3: Tổng cục Hải quan thông báo cho người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp, bổ sung thêm thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong thời gian tối đa 90 ngày kể từ ngày thông báo.
Bước 4: Nếu các thông tin cung cấp không phù hợp thì thực hiện thủ tục từ chối theo quy định.
4. Xác minh tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng than nhập khẩu để xác định hàng hóa đủ điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại tự do
Trong quá trình chờ kết quả xác minh, trường hợp cơ quan hải quan kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, hoặc trên trang thông tin điện tử theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, hoặc đã được người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đáp ứng các thông tin tối thiểu theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư số 33/2023/TT-BTC thì hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thông thường và được thông quan theo quy định
5. Về việc trừ lùi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Đối với lô hàng có chung hợp đồng, hóa đơn thương mại nhưng nhập khẩu nhiều lần, nhiều chuyến được sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa để lập Phiếu theo dõi trừ lùi.
VII. Công văn số 8739/BCT-XNK của Bộ Công thương hướng dẫn về hoạt động mua hàng hóa của thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam
CQ ban hành: Bộ Công thương
Ngày ban hành: 07/12/2023
Trả lời vướng mắc về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
1. Quyền xuất khẩu và quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam
Đối tượng: Theo Khoản 3 Điều 5 Luật Quản lý ngoại thương, thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thuộc các nước, vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước có thỏa thuận song phương với Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo Điều 2 và Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu:
Quyền xuất khẩu: là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu.
Quyền nhập khẩu: là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu.
Phạm vi thực hiện: chỉ được thực hiện trong phạm vi quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 90/2007/NĐ-CP và Nghị định số 09/2018/NĐ-CP và cần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo Nghị định số 90/2007/NĐ-CP.
2. Gia công hàng hóa tại Việt Nam
Trường hợp thương nhân nước ngoài đặt gia công hàng hóa tại Việt Nam, hoạt động này được thực hiện theo quy định tại Mục I, Chương VI Luật Thương mại 2005, Điều 51 Luật Quản lý Ngoại thương và Chương V Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.
VIII. Thông báo 1089/TB-XNK về việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu E, AI, AJ, AANZ, AHK, RCEP, S, VC, VJ, VN-CU và CPTPP điện tử
CQ ban hành: Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương
Ngày ban hành: 21/12/2023. Ngày hiệu lực: 21/12/2023
Theo đó, để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương nhân khi đề nghị cấp 11 C/O mẫu E, AI, AJ, AANZ, AHK, RCEP, S, VC, VJ, VN-CU và CPTPP, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông báo, cụ thể như sau:
1. Kể từ ngày 01/01/2024, sau khi được duyệt điện tử trên Hệ thống eCoSys, thương nhân in màu C/O (gồm cả mặt trước và mặt sau - Overleaf Notes) trên giấy trắng, kích thước A4 theo tiêu chuẩn ISO. Đối với C/O điện tử được in ra đã tích hợp chữ ký, con dấu của cơ quan, tổ chức cấp C/O và mã QR để xác minh tính xác thực.
2. Riêng đối với C/O mẫu E và mẫu AI cấp cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, thương nhân tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Thông báo 257/TB-BCT ngày 10/10/2022 của Bộ Công Thương về việc in Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên giấy A4 thông thường.
Tải bản PDF tại đây!
Comentarios