Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn
Bộ Tài chính luôn quán triệt chủ trương của Đảng về cải cách hành chính (CCHC) trong lĩnh vực tài chính là một trong những đột phá để phát triển. Trong đó cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Trong 7 tháng năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành Bộ phận Một cửa ổn định, hiệu quả. Tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/7/2023, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 698 hồ sơ, trong đó đã trả kết quả 416 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn 282 hồ sơ và đặc biệt là không có hồ sơ quá hạn.
Về xây dựng và triển khai kế hoạch CCHC, Bộ Tài chính đã thực hiện 125/150 nhiệm vụ theo kế hoạch. Trong đó, hoàn thành 36 nhiệm vụ, triển khai 55 nhiệm vụ thường xuyên có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 34 nhiệm vụ theo kế hoạch. Bộ Tài chính cũng đã ban hành 9 quyết định công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế 17 TTHC; bãi bỏ 12 TTHC và ban hành mới 3 TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan và giá.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 31/7/2023, Bộ Tài chính có 774 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 318 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 78 dịch vụ công trực tuyến một phần và 378 dịch vụ công trực tuyến cung cấp thông tin cho tổ chức cá nhân. Đồng thời, Bộ đã hoàn thành kết nối, tích hợp 300 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh
Bộ Tài chính xác định CCHC là một trong những giải pháp hàng đầu, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung, sự phát triển của ngành nói riêng. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách TTHC đúng theo chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, tái cấu trúc quy trình các TTHC, dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực chất, hiệu quả. Đồng thời, rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những TTHC đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân...
Cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan được đánh giá cao
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua khảo sát của VCCI, đánh giá từ phía doanh nghiệp, nhiều chính sách thuế, hải quan và thủ tục dễ tiếp cận hơn. Một số cải cách lớn của cơ quan hải quan, thuế cũng được doanh nghiệp ghi nhận như giảm bớt sự chồng chéo, trùng lắp trong kiểm tra…
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 933/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC liên quan đến khai, nộp, hoàn thuế, miễn, giảm thuế.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng sẽ chủ trì thực hiện việc đơn giản hóa các nhóm TTHC nội bộ quan trọng, bao gồm: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan dự trữ nhà nước; quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên...
Chính phủ yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương và từng cán bộ, công chức trong phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức các bộ, ngành, địa phương.
Đối với công tác cải cách TTHC, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng thực chất, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ TTHC thuộc lĩnh vực quản lý.
Bộ Tài chính cũng sẽ tập trung vào một trong những định hướng lớn và cũng là một mũi nhọn đột phá CCHC của ngành Tài chính trong giai đoạn tới đó là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để thúc đẩy CCHC. Mục tiêu hướng tới là xây dựng nền tài chính số kết nối với các bên thông qua việc chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh.
Comentários