top of page
Ảnh của tác giảRSM Việt Nam

BẢN TIN TỔNG HỢP THÁNG 07/2024

LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI SỐ 41/2024/QH15

Ngày 29/06/2024, Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Theo đó Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có một số điểm mới đáng chú ý như sau:

 

1.   Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bổ sung đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

  • Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh);

  • Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

  • Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);

  • Trường hợp không giao kết hợp đồng lao dộng hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019

 

2.   Trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu

  • Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác, có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo.

  • Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.

 

3.   Chế độ ốm đau

Quy định mới với trường hợp ốm đau nửa ngày như sau:

  • Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức hưởng trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. Mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày.

  • Khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày đến dưới một ngày được tính là một ngày.

 

4.   Chế độ thai sản

Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện: Người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con.

Bổ sung thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định nhưng tối đa theo quy định.


5.   Chế độ hưu trí

Người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng nếu thuộc các trường hợp được đã được quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2024. 

Như vậy Luật Bảo hiểm xã hội năm 2023 đã giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống còn 15 năm.

 

6.   Rút Bảo hiểm xã hội một lần

Luật BHXH mới giới hạn các trường hợp được rút BHXH một lần. Theo đó trừ những trường hợp đặc biệt, được quy định tại Điều 70 của Luật BHXH, thì những người tham gia BHXH sau ngày 01/07/2025 sẽ không được rút BHXH một lần.

 

7.   Biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)Bổ sung thêm một số hình thức xử phạt đối với hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN như sau:

  • Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

  • Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

  • Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.


NGHỊ ĐỊNH SỐ 73/2024/NĐ-CP QUY ĐỊNH MỨC LƯƠNG CƠ SỞ VÀ CHẾ ĐỘ TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

 Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP vào ngày 30/06/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, theo đó, lương cơ sở là 2,34 triệu đồng (áp dụng từ ngày 01/7/2024).

 

1.      Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:

- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định trên;

- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;

- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.


2.     Mức lương cơ sở:

Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng đồng/tháng.

 

3.   Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương: 

Thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6 năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 01/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ các cơ chế này thì thực hiện mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù từ ngày 01/7/2024 bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6 năm 2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 01/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.


NGHỊ ĐỊNH SỐ 72/2024/NĐ-CP VỀ VIỆC TIẾP TỤC GIẢM 2% THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (GTGT) ĐẾN HẾT NGÀY 31/12/2024

Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội, trong đó có các nội dung cần chú ý như sau:

 

Áp dụng mức thuế suất 8% đối với hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Phụ lục I, II, và III ban hành kèm theo, bao gồm:

  • Viễn thông;

  • Công nghệ thông tin;

  • Hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản;

  • Kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất;

  • Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Theo đó, việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

 

Riêng đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT.

 

Lưu ý:

  • Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra sẽ không được giảm thuế GTGT.

  • Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế GTGT đối với mặt hàng than khai thác bán ra.

  • Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc chịu thuế suất 5% thì không được giảm thuế GTGT.


Chính sách giảm thuế GTGT đợt này không có thay đổi so với chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP cho 6 tháng đầu năm 2024.


NGHỊ ĐỊNH SỐ 81/2024/NĐ-CP VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BIỂU THUẾ NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT

Ngày 04/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 liên quan thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (thuế suất AKFTA) để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2023 – 2027 mới, trong đó có các nội dung cần lưu ý như sau:

 

1.  Sửa đổi Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam

  • Áp dụng thuế suất AKFTA 0% cho nhiều loại hàng hóa như: Động vật sống; thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ v.v.;

  • Áp dụng thuế suất AKFTA 5% cho một số loại hàng hóa phân khoáng hoặc phân hóa học, có chứa phosphat (phân lân), mỹ phẩm hoặc các chế phẩm để trang điểm và các chế phẩm dưỡng da (trừ dược phẩm), kể cả các chế phẩm chống nắng hoặc bắt nắng; các chế phẩm dùng cho móng tay hoặc móng chân.

 

2.  Bổ sung Danh mục hàng hóa áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ngoài hạn ngạch của Việt Nam

  • Áp dụng thuế suất AKFTA 80% cho các loại hàng hóa là đường và các loại kẹo đường như: đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hoá học, ở thể rắn;

  • Áp dụng thuế suất AKFTA 50% cho các loại hàng hóa là muối; lưu huỳnh; đất và đá; thạch cao, vôi và xi măng.

 

3.  Bổ sung quy định về mức thuế suất AKFTA áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế thuộc nhóm hàng 04.07, 17.01, 24.01, 25.01

  • Thuế suất AKFTA trong hạn ngạch là mức thuế suất quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đăi đặc biệt;

  • Thuế suất AKFTA ngoài hạn ngạch là mức thuế suất quy định tại Danh mục hàng hóa áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ngoài hạn ngạch.


4.  Thay đổi thời gian áp dụng thuế suất  AKFTA

Thuế suất áp dụng từ ngày 28/11/2023 đến hết ngày 31/12/2027.


NGHỊ ĐỊNH SỐ 74/2024/NĐ-CP QUY ĐỊNH MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

 Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

 

1.    Mức lương tối thiểu tháng tại 4 vùng được quy định như sau:

 - Vùng I: tăng 280.000 đồng, từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng;

- Vùng II: tăng 250.000 đồng, từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng;

- Vùng III: tăng 220.000 đồng từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860 đồng/tháng;

- Vùng IV: tăng 200.000 đồng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng.

 

Mức lương tối thiểu theo giờ tại vùng I tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ, vùng II từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ, vùng III từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ, vùng IV từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.

 

2.    Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:

- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

- Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

- Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị định 74/2024.

 

Theo đó, các doanh nghiệp cần xem xét điều chỉnh mức đóng BHXH, BHTN tối thiểu và tối đa theo mức điều chỉnh của mức lương tối thiểu vùng.


CÔNG VĂN SỐ 3179/TCHQ-GSQL VỀ VIỆC DOANH NGHIỆP NỘI ĐỊA BÁN HÀNG HÓA CHO DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT

Ngày 01/07/2024, Tổng cục Hải quan đưa ra một số ý kiến nhằm trả lời công văn của Tổng cục Thuế, trong đó có các nội dung cần lưu ý như sau:

 

1. Quy định liên quan đến việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất (DNCX)

Theo khoản 2, Điều 74, Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định những hàng hóa không phải là vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... thì DNCX và đối tác của DNCX khi mua bán từ nội địa không phải làm thủ tục hải quan trong trường hợp hàng hóa đã nộp đầy đủ các loại thuế theo quy định như doanh nghiệp không hưởng chế độ, chính sách áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất trừ trường hợp liên quan đến hàng hóa có thuế xuất khẩu nêu trên.

 

Do vậy, cần kiểm tra xác định hàng hóa do DNCX mua từ nội địa đã nộp đầy đủ các loại thuế như doanh nghiệp không hưởng chế độ, chính sách áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất chưa để có cơ sở xác định doanh nghiệp có hay không vi phạm quy định pháp luật hải quan.

 

2. Đối với việc xác định mã số hàng hóa

Theo các quy định hiện hành, các mặt hàng là hàng hóa sẽ được xác định mã số cụ thể theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, cần cung cấp tài liệu kỹ thuật, đầy đủ thông tin về đặc điểm, thành phần và các thông tin khác của hàng hoá để Tổng cục Hải quan có cơ sở để xác định chính xác mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.


CÔNG VĂN SỐ 3116/TCHQ-GSQL VỀ VIỆC VƯỚNG MẮC C/O

Ngày 28/06/2024, Tổng cục Hải quan có một số ý kiến hướng dẫn về việc  hàng đưa vào sản xuất xuất khẩu không còn nguyên trạng; đề nghị miễn phạt hành chính, miễn phạt tiền chậm nộp thuế như sau:


 1. Thủ tục hải quan đối với lô hàng chuyển đổi mục đích sử dụng

  • Tại thời điểm đăng ký tờ khai chuyển đổi mục đích sử dụng, hàng hóa không đảm bảo nguyên trạng theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 38/2018/TT-BTC thì cơ quan hải quan không có cơ sở chấp nhận C/O mẫu D và áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định. 

  • Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2023 và không có điều khoản áp dụng hồi tố đối với các tờ khai được đăng ký trước ngày 15/7/2023. Do vậy, đề xuất đối với trường hợp này là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.


2. Miễn phạt hành chính, miễn phạt tiền chậm nộp thuế

  • Căn cứ quy định tại Điều 11, Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện xuất phát trực tiếp từ điều kiện, hoàn cảnh khách quan do dịch bệnh và tổ chức, cá nhân vi phạm phải chứng minh đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không ngăn được hành vi vi phạm xảy ra thì có thể xem xét thuộc trường hợp bất khả kháng.

  • Do vậy, trường hợp Công ty khai sai quy định của pháp luật dẫn đến nộp thiếu số tiền thuế phải nộp nên không đủ cơ sở xác định thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính.


CÔNG VĂN SỐ 3178/TCHQ-PC VỀ VIỆC VƯỚNG MẮC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH NHIỀU LẦN

Tổng cục Hải quan gửi ý kiến trả lời cho Cục Hải quan TP. Cần Thơ về vướng mắc xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần như sau:

- Vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Mức phạt sẽ là mức trung bình của khung phạt, có thể điều chỉnh giảm nếu có tình tiết giảm nhẹ nhưng không thấp hơn mức tối thiểu, hoặc tăng lên nếu có tình tiết tăng nặng nhưng không vượt mức tối đa (Khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

-  Xử phạt vi phạm nhiều lần: Nếu tổ chức/cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần nhưng bị phát hiện cùng một thời điểm và chưa bị xử lý, sẽ bị xử phạt một lần và áp dụng tình tiết tăng nặng cho hành vi vi phạm đó (Điều 2a Nghị định 128/2020/NĐ-CP).

-  Cách tính mức phạt: Mức phạt sẽ là trung bình của khung phạt, có thể điều chỉnh thêm 10% cho mỗi tình tiết tăng nặng nhưng không vượt mức tối đa của khung phạt (Điểm đ khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2020/NĐ-CP).


Tải file pdf tại đây!



122 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentários


ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page