CÔNG VĂN SỐ 4991/TCT-CS VỀ Chính sách thuế đối với giảm giá hàng bán và chiết khấu thương mại
Về chính sách thuế GTGT
Về giá tính thuế GTGT (theo Khoản 22 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC):
Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng;
Nếu chiết khấu căn cứ vào số lượng, doanh số, khoản chiết khấu sẽ được điều chỉnh trên hóa đơn của lần mua cuối cùng hoặc kỳ sau;
Trường hợp chiết khấu được xác định khi kết thúc chương trình, hóa đơn điều chỉnh sẽ được lập kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh và thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu, tiền thuế tương ứng.
Về hóa đơn:
Về cách lập hóa đơn: Hàng hóa, dịch vụ áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT (Điểm 2.5 Phụ lục 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014), và phải thể hiện rõ khoản chiết khấu thương mại, khuyến mại trên hóa đơn. (Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020).
Về chính sách thuế TNDN
Nguyên tắc kế toán chiết khấu thương mại: Kế toán phải theo dõi riêng khoản chiết khấu thương mại mà doanh nghiệp chi trả cho người mua nhưng chưa được phản ánh là khoản giảm trừ số tiền phải thanh toán trên hóa đơn. Trường hợp này, bên bán ghi nhận doanh thu ban đầu theo giá chưa trừ chiết khấu thương mại (doanh thu gộp).
Xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế:
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền;
Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.
Về việc điều chỉnh giảm doanh thu:
Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán phát sinh cùng kỳ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được điều chỉnh giảm doanh thu của kỳ phát sinh;
Trường hợp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau mới phát sinh chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:
Những phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán thì phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo (kỳ trước);
Những phát sinh sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau).
NGHỊ ĐỊNH SỐ 143/2024/NĐ-CP QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG THEO HÌNH THỨC TỰ NGUYỆN ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC KHÔNG THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 01/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Theo đó, một số nội dung liên quan đến việc hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cần chú ý như sau:
Điều kiện được hỗ trợ 30% mức đóng:
Theo Điều 12 Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, cụ thể:
Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn;
Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn;
Bằng 10% đối với người lao động khác.
Như vậy người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn sẽ được hỗ trợ tiền đóng bằng 30% mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Phương thức hỗ trợ:
Nộp tiền bảo hiểm: Người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện phải nộp phần đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được ủy nhiệm;
Tổng hợp và chuyển kinh phí: Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ, gửi cơ quan tài chính để chuyển vào quỹ bảo hiểm xã hội;
Quy trình chuyển kinh phí: Cơ quan tài chính có trách nhiệm chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện định kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng, chậm nhất đến ngày 31/12 hàng năm.
Cách thức sử dụng của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Theo Điều 9 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được cơ quan bảo hiểm sử dụng với các mục đích sau: Chi trả quyền lợi bảo hiểm tai nạn lao động; Chi trả các chi phí liên quan đến việc quản lý bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; Đầu tư vào quỹ để bảo vệ và tăng trưởng giá trị, đảm bảo quỹ có đủ khả năng tài chính để thực hiện các nghĩa vụ lâu dài đối với người lao động.
Quyết định số 2537/QĐ-TCHQ ngày 01/11/2024 Ban hành quy trình trình tự thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa chịu sự giám sát hải quan trong trường hợp Hệ thống VNACCS/VCIS gặp sự cố
Quyết định 2537/QĐ-TCHQ Ngày 01/11/2024 ban hành quy trình hướng dẫn trình tự, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trong trường hợp Hệ thống VNACCS/VCIS gặp sự cố hoàn toàn không thể thực hiện được thủ tục hải quan điện tử; các hệ thống hỗ trợ xử lý nghiệp vụ hải quan hoạt động bình thường. Quyết định này có hiệu lực trong trường hợp Hệ thống VNACCS/VCICS gặp sự cố theo thông báo của Tổng cục Hải quan. Khi hệ thống hoạt động trở lại, Tổng cục Hải quan sẽ thông báo dừng thực hiện quyết định này. Ngoài những hướng dẫn cho cán bộ Hải quan các cấp, Quyết định 2537/QĐ-TCHQ cũng cung cấp thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp khi gặp sự cố hệ thống, cụ thể như sau:
Các thủ tục sẽ được thực hiên dưới dạng giấy, khi hệ thống VNACCS/VCIS gặp sự cố:
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (bao gồm cả hàng hóa chuyển cửa khẩu thực hiện thủ tục hải quan theo hình thức vận chuyển kết hợp).
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, trung chuyển, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu thực hiện thủ tục hải quan theo hình thức vận chuyển độc lập (sau đây gọi là vận chuyển độc lập), bao gồm:
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu vận chuyển theo hình thức vận chuyển độc lập;
Hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ đất liền Việt Nam;
Hàng hóa trung chuyển vận chuyển giữa các cảng biển, hàng hóa trung chuyển vận chuyển giữa các bến cảng trong cùng 01 cảng biển.
Ngoài ra, đối với hàng hóa giá trị thấp gửi qua bưu chính, chuyển phát nhanh sẽ thực hiện thủ tục theo hướng dẫn riêng của Tổng cục Hải quan.
Một số trường hợp cụ thể và phương án xử lý của Tổng cục Hải quan:
Trường hợp tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được đăng ký và cấp số tờ khai trên Hệ thống VNACCS (sau đây gọi tắt là trường hợp đã có thông tin tờ khai) thì cơ quan hải quan tra cứu thông tin và in 02 bản tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (thông báo kết quả phân luồng) trên Hệ thống thông quan điện tử (V5) để làm tiếp thủ tục hải quan theo hướng dẫn;
Trường hợp tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa được đăng ký và cấp số tờ khai trên Hệ thống VNACCS (sau đây gọi tắt là trường hợp không có thông tin tờ khai) thì cơ quan hải quan hướng dẫn người khai hải quan khai trên tờ khai giấy theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và thực hiện thủ tục hải quan theo hướng dẫn;
Đối với các thông tin khai báo thuế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và các thông tin cần khai báo nhưng không có trên tờ khai hải quan giấy, Chi cục Hải quan hướng dẫn người khai hải quan khai vào các chỉ tiêu thông tin còn trống trên tờ khai hải quan và ghi rõ loại thông tin khai báo.
Nguyên tắc phân luồng khi hệ thống gặp sự cố:
Căn cứ vào thông tin lịch sử, quá trình hoạt động, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trên địa bàn và các thông tin khác có tại thời điểm làm thủ tục hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai quyết định hình thức, mức độ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển độc lập theo theo nguyên tắc:
Trường hợp đã có thông tin tờ khai trên hệ thống nhưng chưa hoàn thành thủ tục việc kiểm tra hải quan thực hiện theo phân luồng của hệ thống.
Trường hợp chưa có thsông tin tờ khai, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan căn cứ văn bản thông báo nguyên tắc phân luồng do Tổng cục Hải quan thông báo để quyết định hình thức, mức độ kiểm tra.
CÔNG VĂN SỐ 5840/TCHQ-GSQL NGÀY 08/11/2024 TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU GIAO DỊCH QUA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Ngày 08/11/2024, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 5840/TCHQ-GSQL nhằm tăng cường quản lý hàng hóa nhập khẩu qua giao dịch thương mại điện tử, trong bối cảnh lĩnh vực này ngày càng phát triển và tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, và trốn thuế.
Trách nhiệm của các chi cục hải quan
Kiểm soát hàng hóa qua các cửa khẩu nhập
Các chi cục hải quan cửa khẩu cần tuân thủ chặt chẽ quy trình thủ tục hải quan, đặc biệt đối với lô hàng vận chuyển độc lập;
Từ chối thủ tục cho các lô hàng không cung cấp đầy đủ thông tin về website, ứng dụng thương mại điện tử hoặc sử dụng các nền tảng chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Kiểm tra tại địa điểm tập kết hàng hóa
Tăng cường xác định trị giá hải quan, đặc biệt đối với các trường hợp khai sai để trốn thuế hoặc né tránh kiểm tra chuyên ngành;
Tập trung kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và sở hữu trí tuệ của các nhóm hàng nhạy cảm như thực phẩm, mỹ phẩm, hàng thời trang, và linh kiện điện tử.
Quản lý kho bãi
Rà soát các kho chuyển phát nhanh. Những kho không đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát sẽ bị đề xuất chấm dứt hoạt động và thu hồi mã kho.
Trách nhiệm của doanh nghiệp:
Công văn nhấn mạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp thương mại điện tử trong việc đăng ký hoạt động và tuân thủ quy định pháp luật. Các doanh nghiệp nhập khẩu cần chú ý khai báo đúng thông tin và đảm bảo hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn kiểm tra để tránh rủi ro bị từ chối thủ tục hoặc xử lý vi phạm;
Doanh nghiệp nên kiểm tra tính hợp lệ của các đối tác thương mại điện tử, đảm bảo họ đã được đăng ký tại online.gov.vn;
Rà soát và chuẩn bị đầy đủ tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ và trị giá hàng hóa trước khi thực hiện khai báo hải quan;
Nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp nên liên hệ với chuyên gia tư vấn và cơ quan chức năng để được hỗ trợ và hạn chế rủi ro pháp lý.
QUYẾT ĐỊNH số 2902/QĐ-BCT CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TRONG LĨNH VỰC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
Quyết định số 2902/QĐ-BCT cung cấp thông tin về những sửa đổi bổ sung thủ tục hành chính cấp trung ương, cấp tỉnh trong lĩnh vực xúc tiến thương mại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương. Cụ thể như sau:
Thủ tục hành chính cấp trung ương:
Đăng ký hoạt động khuyến mại đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên và chương trình khuyến mại theo các hình thức khác:
Thương nhân nộp hồ sơ đến Cục Xúc tiến thương mại bằng cách gửi qua bưu chính, nộp trực tiếp, hoặc nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Công Thương. Hồ sơ gồm đăng ký chương trình, thể lệ chương trình và mẫu bằng chứng trúng thưởng (1 bộ). Cục Xúc tiến thương mại sẽ xem xét và phản hồi trong vòng 5 ngày làm việc. Kết quả là công văn xác nhận hoặc không xác nhận (nêu rõ lý do nếu từ chối). Không quy định phí, lệ phí hay điều kiện thực hiện. Thủ tục căn cứ theo Luật Thương mại và các nghị định liên quan.
Đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên và chương trình khuyến mại theo các hình thức khác
Thương nhân nộp hồ sơ đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại đến Cục Xúc tiến thương mại qua bưu chính, nộp trực tiếp, hoặc nộp trực tuyến. Hồ sơ gồm đơn đăng ký sửa đổi theo Mẫu số 06a ban hành theo quyết định (1 bộ). Thời hạn xử lý là 5 ngày làm việc. Việc sửa đổi phải đảm bảo quyền lợi của khách hàng đã tham gia trước đó. Kết quả là công văn xác nhận hoặc không xác nhận (nêu rõ lý do nếu từ chối). Thủ tục không quy định phí, lệ phí hay điều kiện thực hiện. Căn cứ pháp lý theo Luật Thương mại và các nghị định liên quan.
Đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại tại nước ngoài
Thương nhân hoặc tổ chức nộp hồ sơ đăng ký đến Cục Xúc tiến thương mại qua bưu chính, trực tiếp, hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Hồ sơ gồm đơn đăng ký theo Mẫu số 10 (1 bộ). Thời hạn xử lý là 7 ngày làm việc. Cục Xúc tiến thương mại sẽ trả lời bằng văn bản xác nhận hoặc không xác nhận (nêu rõ lý do nếu từ chối). Thủ tục không quy định phí, lệ phí hay điều kiện thực hiện. Căn cứ pháp lý: Luật Thương mại và các Nghị định liên quan.
Đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài
Thương nhân hoặc tổ chức gửi hồ sơ đăng ký sửa đổi, bổ sung đến Cục Xúc tiến thương mại qua bưu chính, trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến, ít nhất 30 ngày trước ngày khai mạc. Hồ sơ gồm đơn đăng ký sửa đổi theo Mẫu số 13 (1 bộ). Thời hạn xử lý là 7 ngày làm việc. Việc sửa đổi phải đảm bảo không ảnh hưởng quyền lợi các bên liên quan. Kết quả là văn bản xác nhận hoặc không xác nhận (nêu rõ lý do nếu từ chối). Thủ tục không quy định phí, lệ phí hay điều kiện thực hiện. Căn cứ pháp lý: Luật Thương mại và các nghị định liên quan.
Thủ tục hành chính cấp tỉnh
Đăng ký thực hiện khuyến mại theo hình thức mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thương nhân nộp hồ sơ đến Sở Công Thương qua bưu chính, trực tiếp tại trụ sở, hoặc qua hệ thống thông tin hành chính cấp tỉnh. Hồ sơ gồm đơn đăng ký theo Mẫu số 02, thể lệ chương trình khuyến mại theo Mẫu số 03, và mẫu bằng chứng xác định trúng thưởng (1 bộ). Thời gian xử lý là 5 ngày làm việc. Kết quả là văn bản xác nhận hoặc không xác nhận (nêu rõ lý do nếu từ chối). Thủ tục không yêu cầu phí, lệ phí hoặc điều kiện cụ thể. Căn cứ pháp lý: Luật Thương mại và các nghị định liên quan.
Đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thương nhân nộp hồ sơ đăng ký qua bưu chính, trực tiếp tại trụ sở Sở Công Thương, hoặc qua hệ thống hành chính cấp tỉnh. Hồ sơ gồm đơn đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại (Mẫu số 06a), 1 bộ. Việc sửa đổi phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng đã tham gia chương trình. Thời hạn xử lý là 5 ngày làm việc. Kết quả là văn bản xác nhận hoặc không xác nhận (nêu rõ lý do nếu từ chối). Thủ tục không yêu cầu phí, lệ phí hoặc điều kiện cụ thể. Căn cứ pháp lý: Luật Thương mại và các nghị định liên quan.
Thông báo hoạt động khuyến mại
Thương nhân cần gửi hồ sơ thông báo trước 3 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại theo hình thức quy định tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP. Hồ sơ bao gồm thông báo thực hiện khuyến mại (Mẫu số 01), 1 bộ. Hồ sơ có thể nộp qua dịch vụ bưu chính, trực tiếp tại trụ sở, hoặc qua hệ thống thông tin hành chính cấp tỉnh. Thủ tục không yêu cầu phí, lệ phí hoặc thời gian giải quyết cụ thể, và không cần kết quả xác nhận. Căn cứ pháp lý bao gồm Luật Thương mại và các nghị định liên quan.
Thông báo sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại
Thủ tục thông báo sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại yêu cầu thương nhân gửi thông báo đến Sở Công Thương nơi đã đăng ký khuyến mại trước đó. Hồ sơ có thể nộp qua dịch vụ bưu chính, trực tiếp tại Sở Công Thương hoặc qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Thành phần hồ sơ gồm thông báo sửa đổi, bổ sung theo mẫu quy định, với số lượng 01 bộ. Thời hạn giải quyết không quy định. Cơ quan thực hiện thủ tục là Sở Công Thương và không có phí, lệ phí áp dụng. Căn cứ pháp lý của thủ tục này bao gồm Luật Thương mại, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP và Nghị định số 128/2024/NĐ-CP.
Đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại tại Việt Nam
Thủ tục đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại tại Việt Nam yêu cầu thương nhân hoặc tổ chức gửi hồ sơ đăng ký đến Sở Công Thương. Sở Công Thương sẽ xem xét và xác nhận việc tổ chức, nếu không xác nhận sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hồ sơ có thể nộp qua dịch vụ bưu chính, trực tiếp tại trụ sở Sở Công Thương hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Hồ sơ gồm 01 Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo mẫu quy định, với số lượng 01 bộ. Thời gian giải quyết là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Cơ quan thực hiện là Sở Công Thương và không có phí, lệ phí áp dụng. Căn cứ pháp lý của thủ tục bao gồm Luật Thương mại, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP và Nghị định số 128/2024/NĐ-CP.
Đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam
Thủ tục đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại tại Việt Nam yêu cầu thương nhân hoặc tổ chức gửi hồ sơ đến Sở Công Thương ít nhất 30 ngày trước ngày khai mạc. Sở Công Thương sẽ xác nhận hoặc từ chối đăng ký, và nếu không xác nhận, phải nêu lý do. Việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan. Hồ sơ có thể nộp qua dịch vụ bưu chính, trực tiếp tại trụ sở Sở Công Thương hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Hồ sơ gồm Đăng ký sửa đổi, bổ sung theo mẫu quy định, với số lượng 01 bộ. Thời gian giải quyết là 07 ngày làm việc từ khi nhận đủ hồ sơ. Cơ quan thực hiện là Sở Công Thương, và không có phí, lệ phí. Căn cứ pháp lý bao gồm Luật Thương mại, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP và Nghị định số 128/2024/NĐ-CP.
Ngoài các thông tin thay đổi và bổ sung, quyết định 2902/QĐ-BTC cũng cung cấp các mẫu giấy tờ liên quan đến thủ tục đăng ký xúc tiến thương mại ở phía trên. Cụ thệ, quy khách hàng có thể tham khảo tại QĐ 2902/QĐ-BTC
Tải file PDF tại đây!
Commentaires