top of page

7 thách thức khi chuyển đổi IFRS

huyentran23

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, các doanh nghiệp Việt đang có cơ hội tham gia nhiều “sân chơi” quốc tế, việc chuyển đổi sang Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư cũng như góp phần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Bởi vậy, nhiều tổ chức đã tự nguyện chuyển đổi IFRS, góp phần tăng cường tính minh bạch, chính xác và đáng tin cậy cho báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Tuy vậy, quá trình chuyển đổi IFRS tại Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp cần nắm được để từ đó có những kế hoạch chuyển đổi thành công.


Nội dung chính:


kho-khan-va-thach-thuc-khi-chuyen-doi-IFRS
Quá trình chuyển đổi IFRS tại Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức

1. Chuyển đổi IFRS - Thực trạng áp dụng Chuẩn mực kế toán tại Việt Nam

Do Việt Nam chưa tuyên bố áp dụng IFRS nên hiện tại các doanh nghiệp đều lập BCTC theo VAS. Một số doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp FDI theo yêu cầu của nhà đầu tư hoặc công ty mẹ tại nước ngoài, nhà tài trợ quốc tế hiện đang thực hiện chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS chứ chưa trực tiếp lập BCTC theo IFRS. Việc chuyển đổi BCTC hiện vẫn còn nhiều hạn chế do các doanh nghiệp chưa được đào tạo căn bản nên phụ thuộc vào các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán trong khi Nhà nước chưa có hướng dẫn chính thức.


Năm 2018, được sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Tài chính đã phối hợp với đơn vị tư vấn độc lập tiến hành khảo sát về nhu cầu và khả năng áp dụng tại 46 đơn vị tại Việt Nam trong đó có hơn 27 đơn vị là các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn. Kết quả khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn chịu áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài hoặc các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là khối 22 doanh nghiệp FDI chịu áp lực từ công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu áp dụng IFRS. Do Việt Nam hiện chưa cho phép áp dụng IFRS nên các đối tượng này đang phải thực hiện chuyển đổi BCTC lập theo VAS sang IFRS để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, chủ nợ nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi lập BCTC theo IFRS vì chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng chi tiết của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài chính), nhiều doanh nghiệp phải thuê các công ty kiểm toán trợ giúp trong quá trình chuyển đổi BCTC sang IFRS.


Như vậy có thể thấy rằng nhu cầu áp dụng IFRS tại Việt Nam là thực tế khách quan, chủ yếu tập trung vào khối doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn và các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, do chưa được đào tạo về IFRS, nên phần lớn các doanh nghiệp này chưa thật sự sẵn sàng áp dụng mà cần thời gian để chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực, nâng cấp hệ thống thông tin, phần mềm. Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp Nhật Bản và Châu Âu thì để đảm bảo tính khả thi, doanh nghiệp cần phải có một khoảng thời gian chuẩn bị cần thiết (thường là 2 - 3 năm kể từ thời điểm công bố) để chuyển đổi từ việc áp dụng Chuẩn mực quốc gia sang IFRS.



2. Khó khăn, thách thức khi chuyển đổi IFRS tại Việt Nam

Việc áp dụng IFRS và xây dựng, triển khai áp dụng VFRS sẽ gặp phải các khó khăn, vướng mắc nhất định. Thể hiện qua các nội dung sau:


Thứ nhất, việc xây dựng hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) là công việc hết sức khó khăn, cần tập trung nguồn lực, các chuyên gia. Trong điều kiện các cơ chế chính sách tài chính, quy định về thuế còn có các biệt lớn sẽ dẫn đến khác vướng mắc không chỉ trong khâu xây dựng văn bản mà quan trọng hơn là trong khâu tổ chức thực hiện. Việc đưa các quy định của IFRS vào chuẩn mực báo cáo tài chính của Việt Nam là khó khăn, thách thức lớn.


Thứ hai, thị trường vốn và thị trường tài chính chưa phát triển đủ mạnh: IFRS hướng đến việc trình bày các khoản mục của BCTC theo giá trị hợp lý, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế thị trường tại thời điểm báo cáo (Mark to Market). Để đáp ứng được yêu cầu của IFRS đòi hỏi phải có thị trường hoạt động để cung cấp được các thông số tài chính một cách đáng tin cậy khi thực hiện một số kỹ thuật như xác định giá trị hợp lý, lãi suất hiệu lực, tổn thất tài sản,... Ngoài ra, do IFRS hướng đến việc phản ánh các giao dịch của nền kinh tế phát triển với nhiều loại công cụ tài chính phức tạp (mà ở Việt Nam hiện chưa phổ biến) nên việc áp dụng IFRS đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam có thể gặp một số khó khăn nhất định trong ngắn hạn.


chuyen-doi-ifrs
Việc đưa các quy định của IFRS vào chuẩn mực báo cáo tài chính của Việt Nam là khó khăn, thách thức lớn.

Thứ ba, đạo đức nghề nghiệp và tâm lý không muốn công khai về tình hình tài chính của một số doanh nghiệp: Khi áp dụng IFRS, thông tin tài chính của doanh nghiệp sẽ được trình bày sát thực hơn, thận trọng hơn nhưng điều này có thể làm cho BCTC của doanh nghiệp không được khả quan như hiện nay. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có ý thức tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, không sẵn sàng công khai tình hình tài chính thì đây sẽ là lực cản đối với quá trình tiếp cận với thông lệ quốc tế. Tâm lý e ngại của một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước có thể ảnh hưởng đến xếp hạng, phân loại doanh nghiệp cũng như đánh giá về người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban lãnh đạo doanh nghiệp hoặc đối với các công ty niêm yết nếu kết quả kinh doanh liên tục bị lỗ có thể ảnh hưởng đến việc duy trì điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Để giải quyết vấn đề này, hệ thống bộ tiêu chí đánh giá về hiệu quả, phân loại, xếp hạng các doanh nghiệp nhà nước cũng như yêu cầu về duy trì điều kiện niêm yết cũng cần phải được xem xét và sửa đổi lại cho phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp áp dụng IFRS.


Thứ tư, đội ngũ nhân lực về kế toán chưa được đào tạo sâu về IFRS: Nhìn chung, nhân lực kế toán tại Việt Nam chưa được đào tạo về IFRS. Số lượng các chuyên gia am hiểu, có kinh nghiệm và kỹ năng lập BCTC theo IFRS còn ít, chủ yếu là một số nhà nghiên cứu và kiểm toán viên của các công ty kiểm toán lớn. Ngay đội ngũ giảng viên các trường đại học cũng chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về IFRS nên chỉ có một số rất ít cơ sở đào tạo đã đưa IFRS vào chương trình giảng dạy. Vì vậy, đội ngũ kế toán viên tại các doanh nghiệp (đối tượng trực tiếp áp dụng IFRS) cũng như sinh viên hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu.


Thứ năm, rào cản ngôn ngữ: Rào cản ngôn ngữ cũng là một khó khăn cần tính đến do IFRS được soạn thảo bằng tiếng Anh và để có thể phổ biến, quảng bá rộng rãi IFRS đến công chúng, cần phải dịch sang ngôn ngữ của các quốc gia. Tuy nhiên việc chuyển tải chính xác các thuật ngữ chuyên môn cũng như cập nhật thường xuyên, liên tục các nội dung thay đổi của IFRS không phải là điều dễ dàng. Việc chuyển tải ngôn ngữ không chỉ tác động đến việc ápdụng IFRS, mà còn tác động đến việc xây dựng và triển khai áp dụng VFRS.


Thứ sáu, yếu tố văn hóa, tư duy và khía cạnh pháp lý: IFRS được thiết lập theo phương pháp dựa trên nguyên tắc trong khi các quy định của pháp luật kế toán của Việt Nam thường được xây dựng chủ yếu mang tính quy tắc (Luật) rất cao. Mặt khác, văn hoá của người Việt Nam thường thích cầm tay chỉ việc, trích dẫn từng câu từng chữ trong văn bản mà chưa quen với việc vận dụng các nguyên tắc vào từng tình huống cụ thể. Vì vậy, khi IFRS yêu cầu thực hiện một số đánh giá mang tính xét đoán như đưa ra các ước tính về giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, tổn thất tài sản của đơn vị tạo tiền và lợi thế thương mại, xác định 35 giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai… thì trong giai đoạn đầu áp dụng IFRS, có thể một số cán bộ tài chính, kế toán cũng như cơ quan quản lý Nhà nước còn bỡ ngỡ, chưa kịp thích nghi với cách tiếp cận của thông lệ quốc tế.


Thứ bảy, sự khác biệt giữa cơ chế tài chính và chuẩn mực BCTC: Hầu hết các quốc gia trên thế giới, chỉ tồn tại 2 hệ thống văn bản là chuẩn mực BCTC và chính sách thuế mà không có cơ chế tài chính như Việt Nam vì số lượng doanh nghiệp Nhà nước ở các quốc gia trên thế giới khá ít và thông thường Chính phủ chỉ quản lý vĩ mô, cung cấp dịch vụ công chứ không chi phối hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc xử lý phần lớn các nội dung về tài chính đã được giải quyết trong chuẩn mực BCTC, các nội dung khác liên quan đến quản trị, điều hành doanh nghiệp như phân phối lợi nhuận, quyết định đầu tư, đi vay… đều do đơn vị tự quyết định.


Việt Nam hiện có 3 loại văn bản quy phạm pháp luật cùng tác động đến công tác tài chính của doanh nghiệp là chuẩn mực BCTC, chính sách thuế và cơ chế tài chính dẫn đến sự chồng chéo, không nhất quán trong cách thức tiếp cận và áp dụng các chính sách này do doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý Nhà nước chưa phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực BCTC, chính sách thuế và cơ chế tài chính. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì cùng một vấn đề nhưng chuẩn mực BCTC và cơ chế tài chính có thể xử lý khác nhau. Ví dụ các quy định không nhất quán về dự phòng, trích khấu hao TSCĐ, xử lý chênh lệch tỷ giá… làm cho doanh nghiệp gặp lúng túng khi áp dụng pháp luật và giảm khả năng so sánh thông tin tài chính giữa các doanh nghiệp khi cùng một giao dịch lại áp dụng các quy định khác nhau để lập và trình bày BCTC.


Nguồn tham khảo: Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại việt nam (Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính, 2020)


3. RSM Việt Nam có thể làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp của bạn chuyển đổi IFRS?

Tại RSM Việt Nam, Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia về IFRS, những người đang tham gia trực tiếp trong tổ soạn thảo, nghiên cứu, triển khai và soát xét dự án áp dụng IFRS tại Việt Nam do Bộ tài chính chủ trì thực hiện theo tinh thần Quyết định 345/QĐ-BTC. Bên cạnh đó, Chúng tôi có những chuyên gia về IAS/IFRS đã thực hiện việc chuyển đổi báo cáo tài chính sang IAS/IFRS cho các tập đoàn nhà nước lớn từ những năm 1999.


Đội ngũ chuyên gia IFRS trong RSM Việt Nam sẽ hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp của bạn giải quyết một loạt các vấn đề phức tạp tiềm ẩn của IFRS. Các dịch vụ IFRS của chúng tôi bao gồm:

  • Chuyển đổi báo cáo từ VAS sang IFRS;

  • Kiểm toán báo cáo theo IFRS

  • Tư vấn kế toán phức tạp

  • Đào tạo và cập nhật IFRS


CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:



1.203 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page