top of page
Ảnh của tác giảRSM Việt Nam

ESG là gì? Các tiêu chuẩn của ESG? Việt Nam và thế giới đã triển khai ESG như thế nào?

ESG là một bộ tiêu chuẩn đánh giá về môi trường, xã hội và quản trị ESG (Environmental, Social and Governance). Hiện nay ESG đang trở thành xu hướng đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình giao thương quốc tế, hội nhập toàn cầu.


1. ESG là gì?


ESG (Environmental, Social, and Governance) là một bộ tiêu chí được sử dụng để đánh giá các hoạt động và ảnh hưởng của một tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến ba lĩnh vực chính: Môi trường, Xã hội và Quản trị. 


ESG

Tiêu chuẩn ESG (Environmental, Social, and Governance) bắt đầu thu hút sự chú ý vào khoảng đầu thế kỷ 21. Mặc dù các khái niệm liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị đã được thảo luận từ lâu, thì ESG như một khái niệm chính thức và cấu trúc hơn đã bắt đầu nổi bật từ những năm 2000.


Một trong những cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ESG là vào năm 2004, khi Liên hợp quốc phát động Sáng kiến Toàn cầu về Đầu tư bền vững (UN Global Compact) và Ủy ban Nghiên cứu và Khuyến nghị của Đại học Stanford về Các Tiêu chí Đầu tư Bền vững (UN PRI - Principles for Responsible Investment) đã được thành lập. Các tiêu chuẩn và khuyến nghị này đã giúp thúc đẩy sự quan tâm và áp dụng các yếu tố ESG trong các quyết định đầu tư và quản trị doanh nghiệp.


2.Tiêu chuẩn đánh giá thực hành ESG là gì? Bộ tiêu chuẩn ESG đang áp dụng chung cho toàn thế giới


Bộ tiêu chuẩn ESG bao hàm 3 nhóm tiêu chuẩn, cụ thể:


  • E - Environmental (Môi trường): Đánh giá mức độ tác động của doanh nghiệp lên môi trường. Bao gồm các yếu tố như tiêu thụ năng lượng, phát thải khí nhà kính, quản lý rác thải, sử dụng tài nguyên tự nhiên, và các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.


  • S - Social (Xã hội): Đánh giá cách doanh nghiệp quản lý các mối quan hệ với nhân viên, khách hàng, cộng đồng và các bên liên quan khác. Ví dụ như điều kiện làm việc, quyền lợi lao động, bình đẳng giới, bảo vệ sức khỏe và an toàn của nhân viên, và sự đóng góp vào cộng đồng.


  • G - Governance (Quản trị): Đánh giá cách mà doanh nghiệp được quản lý và vận hành. Các yếu tố bao gồm tính minh bạch, đạo đức kinh doanh, quản trị rủi ro, cấu trúc quản trị, và sự tuân thủ pháp luật và quy định.


Các khía cạnh của tiêu chuẩn ESG thường được đánh giá thông qua một số thang đo lường như Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu GRI (Global Reporting Initiative), Tiêu chuẩn Kế toán Bền vững SASB (Sustainability Accounting Standards Board), … Bộ tiêu chuẩn ESG giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp tạo ra giá trị lâu dài không chỉ về mặt tài chính mà còn về mặt xã hội và môi trường.


Tiêu chí đánh giá thực hiện ESG
Tiêu chí đánh giá thực hiện ESG

2.1 Tiêu chuẩn Môi trường (E-Environment)


Đánh giá tác động của doanh nghiệp đến môi trường trong thực hành ESG bao gồm:


  • Phát thải khí nhà kính: Đo lường lượng CO2 và các loại khí gây ô nhiễm mà doanh nghiệp phát thải ra môi trường. Doanh nghiệp cần tuân thủ theo các cam kết quốc tế và trong nước, chính sách quốc gia và quy định tại địa phương về vấn đề chống ô nhiễm môi trường.


  • Sử dụng năng lượng: Kiểm tra việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và không tái tạo. Doanh nghiệp thực hiện ESG cần đảm bảo việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng một cách hiệu quả.


  • Quản lý tài nguyên: Bao gồm quản lý nước, sử dụng đất, và tiêu thụ nguyên liệu thô. Để đạt được điểm số cao ở tiêu chí này, doanh nghiệp thực hiện ESG cần đảm bảo đã có đầy đủ giấy tờ cấp phép sử dụng và khai thác bất kỳ loại tài nguyên nào.


  • Quản lý rác thải: Các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng không thải ra môi trường những loại chất thải gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể bổ sung thêm các quy trình tái chế, tái sử dụng để tối ưu hóa chuỗi, giảm chất thải ra môi trường.


  • Tác động đến hệ sinh thái: Sự ảnh hưởng của hoạt động sản xuất và khai thác tài nguyên thiên nhiên đến đa dạng sinh học. Doanh nghiệp có thể phát triển công nghệ sạch, công trình xanh, tối ưu hóa nguồn năng lượng tái tạo sẽ được đánh giá cao về mức độ thực hiện ESG.


2.2. Tiêu chuẩn Xã hội (S-Social)


Đánh giá sự tác động của doanh nghiệp đối với xã hội, bao gồm:


  • Điều kiện làm việc: Doanh nghiệp cần đảm bảo cung cấp tới người lao động môi trường làm việc bình đẳng, thời gian làm việc hợp lý, đảm bảo về mặt an toàn lao động và sự công bằng trong đối xử với người lao động.


  • Bình đẳng và đa dạng: Luật Lao động quy định rằng các tổ chức không được phân biệt đối xử với nhân viên dưới bất kỳ hình thức nào về màu da, tôn giáo, quốc tịch, … Nhân sự nam và nhân sự nữ phải nhận được công bằng về mọi mặt: công việc, cơ hội thăng tiến, lương thưởng…


  • Quyền lợi của người lao động: Người lao động cần được đảm bảo tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, chính sách phúc lợi và đãi ngộ tương xứng với công việc và trình độ chuyên môn.


  • Quan hệ cộng đồng: Ngoài việc đảm bảo quyền lợi và phát triển nội bộ, doanh nghiệp thực hiện ESG cũng sẽ được đánh giá cao hơn nếu như có các dự án phát triển cộng đồng, các ý kiến đóng góp xây dựng xã hội ngày càng phát triển hơn.


  • Chất lượng sản phẩm và sự hài lòng của khách hàng: Cách doanh nghiệp đảm bảo an toàn, chất lượng và tính đạo đức trong việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ.


2.3. Tiêu chuẩn Quản trị doanh nghiệp (G-Governance)


Để đánh giá các yếu tố quản trị nội bộ, doanh nghiệp thực hiện ESG cần đáp ứng các tiêu chí sau:


  • Minh bạch và công khai thông tin: Doanh nghiệp có minh bạch trong việc công bố thông tin tài chính, chiến lược và hoạt động không?


  • Cấu trúc hội đồng quản trị: Đánh giá tính độc lập, đa dạng và kinh nghiệm của các thành viên trong hội đồng quản trị.


  • Đạo đức kinh doanh: Doanh nghiệp cần thiết lập các chính sách chống tham nhũng, rửa tiền, hối lộ và gian lận.


  • Quản lý rủi ro: Cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro kinh doanh, bao gồm cả rủi ro tài chính và phi tài chính.


  • Lợi ích của cổ đông: Cách doanh nghiệp giải quyết xung đột lợi ích và bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ.


thực hành ESG

3. Chính sách, quy định về ESG hiện hành tại Việt Nam và trên thế giới


3.1 Chính sách, quy định về ESG tại Việt Nam


Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và quy định nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn của ESG.


Năm 2020, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14, được chính thức thông qua ngày 03/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021. Theo đó, doanh nghiệp tại Việt Nam có trách nhiệm áp dụng các biện pháp công nghệ, quản lý nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.


Tiếp theo đó, Ngày 26/07/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.


Ngoài ra, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành các thông tư, quyết định về báo cáo phát triển bền vững và quản trị công ty, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về yếu tố quản trị (Governance) của ESG tại Việt Nam.


Nhìn chung, Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ các quy định về ESG, tuy nhiên việc thực thi vẫn còn nhiều điểm hạn chế, cần có sự can thiệp nhiều hơn nữa từ nhà nước và các ban ngành có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và áp dụng tốt hơn các tiêu chí của ESG.


3.2 Chính sách, quy định về ESG trên thế giới


Các quốc gia phát triển như Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Vương quốc Anh,... đã ban hành nhiều quy định và chính sách cụ thể về ESG nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tại Liên minh Châu Âu, Ủy ban Châu Âu đã ban hành Chỉ thị về báo cáo phi tài chính vào năm 2014. Chỉ thị này yêu cầu một số doanh nghiệp lớn, có trụ sở chính tại EU, phải công bố thông tin về các hoạt động và hiệu quả của họ liên quan đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG).


Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) của Hoa Kỳ đã ban hành các quy định về công bố thông tin ESG, yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải công bố các thông tin liên quan. Mục tiêu của các quy định này là nâng cao tính minh bạch để giúp các nhà đầu tư nhân thức rõ hơn những cơ hội, rủi ro ESG của các công ty. Mặt khác, việc này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp đánh giá lại mức độ thực hiện ESG của mình, từ đó đưa ra những giải pháp để phát triển bền vững hơn trong tương lai.


Có thể thấy được, các quốc gia phát triển ngày càng nâng tầm quan trọng về sự phát triển bền vững, tính minh bạch và trách nhiệm của doanh nghiệp. Việc không ngừng đưa ra những chính sách, quy định mới liên quan đến việc thực hiện ESG cho thấy phát triển bền vững là xu hướng mà tất cả quốc gia đều hướng tới.


14 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios


ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page