ESG, viết tắt cho các yếu tố Environmental, Social, and Governance, là một khái niệm ngày càng trở nên quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Được biết đến như một bộ tiêu chí đo lường hiệu suất bền vững và trách nhiệm xã hội của một tổ chức, ESG tập trung vào ba khía cạnh chính để đánh giá và định hình hành vi kinh doanh.
Môi Trường (Environmental): Khía cạnh này của ESG đo lường tác động của một tổ chức đối với môi trường tự nhiên. Các doanh nghiệp phải xem xét và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của họ đối với khí hậu, tài nguyên nước, và các yếu tố môi trường khác.
Xã Hội (Social): ESG cũng tập trung vào mối quan hệ xã hội, bao gồm các tương tác tích cực với cộng đồng, đảm bảo quyền lợi và an sinh xã hội cho nhân viên, và tạo ra môi trường làm việc công bằng và đa dạng.
Quản Trị (Governance): Khía cạnh quản trị đánh giá cách một tổ chức được tổ chức và quản lý. Nó bao gồm chính sách quản lý, đạo đức kinh doanh, đội ngũ lãnh đạo và quản lý rủi ro
ESG không chỉ là một tập hợp các chỉ số hay tiêu chí quản lý, mà là một triết lý kinh doanh đang thay đổi cách doanh nghiệp định hình chiến lược của mình.
Áp dụng ESG (Environmental, Social, and Governance) mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, không chỉ từ góc độ bền vững mà còn từ khía cạnh kinh doanh và uy tín. Dưới đây là một số lý do tại sao doanh nghiệp cần áp dụng ESG:
Nâng cao uy tín thương hiệu: Các công ty thể hiện cam kết với ESG được coi là có đạo đức, đáng tin cậy đem lại nhận thức tích cực trong mắt khách hàng và danh tiếng thuận lợi trên thị trường.
Thu hút nhà đầu tư: Nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các doanh nghiệp tuân thủ ESG, và việc áp dụng các nguyên tắc này có thể tăng cơ hội thu hút vốn đầu tư.
Giữ chân và thu hút nhân tài: Các công ty có thực hành ESG tốt có xu hướng thu hút nhân tài, dẫn đến tỷ lệ tuyển dụng và giữ chân nhân viên tốt hơn cũng như giảm chi phí luân chuyển nhân viên.
Tuân thủ quy định: Chính phủ đang đưa ra các quy định mới yêu cầu các công ty tuân thủ các tiêu chuẩn ESG nhất định, khiến các tổ chức cần phải cập nhật các quy tắc này.
Tăng khả năng sinh lời: Các công ty tập trung vào ESG thường có hiệu quả hoạt động tốt hơn và tiết kiệm chi phí, dẫn đến lợi nhuận cao hơn theo thời gian. Bằng cách tạo ra các mô hình kinh doanh bền vững, các công ty cũng có thể giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường hoặc bất ổn xã hội.
Theo Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 , 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết/ đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG, điều này phần lớn xuất phát từ nhu cầu tác động của người tiêu dùng, người lao động và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để rút ngắn khoáng cách từ cam kết đến thực hành lại là một rào cản lớn khi mà có hơn 60% các công ty chưa đặt cam kết ESG cho rằng thiếu kiến thức và thiếu các quy định rõ ràng là rào cản chính và chỉ có 23% doanh nghiệp tự tin về năng lực của Ban lãnh đạo về các vấn đề liên quan đến ESG.
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững cũng như ưu tiên áp dụng mô hình phát triển bền vững dựa trên hai trụ cột: (1) Thích ứng với biến đổi khí hậu, và (2) Giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử các-bon trong quá trình tăng trưởng, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để hiện thực hóa những mục tiêu và cam kết ấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một loạt các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động trong thời gian qua, như: Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Đề án quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn; Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Đây đều là những cơ sở pháp lý quan trọng để việc kinh doanh bền vững thực sự trở thành một động lực phát triển mới cho khu vực kinh tế tư nhân.
Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh bền vững theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 quy định nhiều nội dung hỗ trợ mang tính toàn diện về tạo dựng hệ sinh thái (nâng cao nhận thức toàn xã hội, phát triển công cụ đo lường đánh giá, mạng lưới tư vấn viên…) và các hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho doanh nghiệp (tư vấn, đào tạo, công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối tài chính…) từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động ngoài xã hội.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đang xây dựng hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò vốn mồi, tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam có những bước đi đầu tiên nhằm bắt nhịp với xu hướng phát triển mới và thực sự biến đây trở thành cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chiếm được lợi thế trong xu hướng mới này.
תגובות