top of page
Ảnh của tác giảRSM Việt Nam

Giá giao dịch liên kết là gì?

Giá giao dịch liên kết - Nghị định 20/2017/NĐ-CP (“Nghị định 20”) được ban hành vào ngày 24 tháng 02 năm 2017 và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 05 năm 2017. Thông tư 41/2017/TT-BTC (“Thông tư 41”) hướng dẫn Nghị định 20 được ban hành vào ngày 28 tháng 04 năm 2017 và cũng có hiệu lực vào ngày 01 tháng 05 năm 2017.


Nội dung chính:

gia-giao-dich-lien-let
Giá giao dịch liên kết là gì?

Nghị định 20 và Thông tư 41 nhìn chung dựa trên một số khái niệm và nguyên tắc từ Hướng dẫn về Xác định giá Giao dịch liên kết của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Chương trình Hành động Chống Xói Mòn cơ sở tính thuế và Chuyển lợi nhuận (BEPS).


Ngày 24 tháng 6 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP (“Nghị định 68”) sửa đổi Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 về việc nới lỏng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ. Các quy định mới này có hiệu lực kể từ ngày ký. Tuy nhiên, khi thỏa mãn những điều kiện nhất định, chi phí lãi vay không được khấu trừ có thể được chuyển tiếp sang những năm tính thuế tiếp theo trong thời gian tối đa là 5 năm.


Vào ngày 5 tháng 11 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2020 NĐ-CP (“Nghị định 132”), đưa ra các quy định mới về xác định giá giao dịch liên kết tại Việt Nam. Nghị định 132 có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2020, áp dụng cho năm tài chính 2020 trở đi và thay thế Nghị định 20 và Nghị định 68.


Các quy định về giá chuyển nhượng của Việt Nam cũng áp dụng đối với các giao dịch liên kết thực hiện trong nội địa Việt Nam.


1. Định nghĩa các bên liên kết

Ngưỡng sở hữu bắt buộc để trở thành một ‘bên liên kết’ theo Nghị định 132 vẫn là 25%. Nghị định 132 cũng giới thiệu thêm một định nghĩa mới về bên liên kết (Điểm l, Khoản 2, Điều 5 của Nghị định 132). Công ty và một số cá nhân được xem là các bên liên kết nếu trong kỳ tính thuế có các giao dịch sau:

  • Nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của công ty; hoặc

  • Vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch.

2. Phương pháp xác định giá giao dịch liên kết

Các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết được chấp thuận tương tự với các phương pháp do Tổ chức OECD đề ra trong Hướng dẫn về Xác định giá Giao dịch liên kết cho các Công ty Đa quốc gia và các Cơ quan Thuế, cụ thể là phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, phương pháp giá bán lại, phương pháp giá vốn cộng lãi, phương pháp phân bổ lợi nhuận và phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần.


3. Thu hẹp khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn

Theo Nghị định 132, khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn là tập hợp các giá trị từ bách phân vị thứ 35 đến bách phân vị thứ 75 (thu hẹp từ bách phân vị thứ 25 đến bách phân vị thứ 75 theo Nghị định 20). Như vậy, tứ phân vị thứ nhất được nâng lên thêm 10%.


Do vậy, người nộp thuế cần đánh giá lại các chính sách giá giao dịch liên kết từ năm tài chính 2020 trở đi nhằm đảm bảo tỷ suất lợi nhuận nằm trong khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn.


4. Mở rộng phạm vi tìm kiếm các đối tượng so sánh độc lập

Theo Nghị định 132, người nộp thuế phải lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập trong cùng thị trường địa bàn, địa phương, trong nước và sau đó mở rộng địa bàn so sánh sang các nước trong khu vực có điều kiện ngành và trình độ phát triển kinh tế tương đồng.


xac-dinh-gia-giao-dich-lien-ket
Xác định giá giao dịch liên kết

5. Tờ khai thông tin về giao dịch liên kết

Các công ty có giao dịch liên kết được yêu cầu kê khai hàng năm thông tin về các giao dịch liên kết và phương pháp xác định giá áp dụng cho các giao dịch này, cũng như tự xác định lại giá giao dịch tuân theo giá giao dịch độc lập (hoặc tự xác định lại). Nghị định 132 yêu cầu rằng phương pháp xác định giá không làm giảm nghĩa vụ thuế của công ty với ngân sách nhà nước, và điều này có thể được diễn giải rằng các điều chỉnh giảm không được chấp thuận. Nghị định 132 ban hành mẫu tờ khai mới yêu cầu kê khai thêm nhiều thông tin chi tiết khác, bao gồm tách kết quả sản xuất kinh doanh cho các giao dịch liên kết và giao dịch độc lập.


Thêm vào đó, công ty được yêu cầu phải kê khai thông tin được bao gồm trong Hồ sơ quốc gia và Hồ sơ toàn cầu. Điều này có thể được hiểu rằng thông tin cần phải có sẵn khi Tờ khai thông tin về Giao dịch liên kết được nộp cho cơ quan thuế. Tờ khai thông tin về Giao dịch liên kết cần phải được nộp cùng với tờ khai quyết toán thuế TNDN.


Cũng theo Nghị định 132, cơ quan thuế có quyền sử dụng cơ sở dữ liệu nội bộ để ấn định trị giá giao dịch nếu công ty không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định 132.


Công ty chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết trong nước có cùng thuế suất thuế TNDN và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết.


6. Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết

Các công ty có giao dịch với các bên liên kết phải soạn lập và cập nhật Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết. Nghị định 132 yêu cầu các công ty đa quốc gia cung cấp thông tin hoạt động kinh doanh thông qua Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo ba cấp, cụ thể là Hồ sơ quốc gia, Hồ sơ toàn cầu và Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết phải được soạn lập trước thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN.


Nếu công ty có công ty mẹ tối cao tại Việt Nam và có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ 18.000 tỷ đồng trở lên, công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có nhiệm vụ lập và nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Theo Nghị định 132, thời hạn nộp Báo cáo nhuận liên quốc gia cho Cơ quan thuế chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính của Công ty mẹ tối cao. Tuy nhiên, nếu công ty mẹ tối cao ở nước ngoài, báo cáo lợi nhuận liên quốc gia không bắt buộc phải nộp trong trường hợp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cung cấp cho Cơ quan thuế của Việt Nam thông qua cơ chế trao đổi thông tin tự động. Tuy nhiên, một công ty cần phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia và văn bản thông báo có liên quan trong một số trường hợp nhất định.


Theo Nghị định 132, công ty được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

  • Có tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng; hoặc

  • đã ký kết một Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (“APA”) và nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về APA; hoặc

  • có doanh thu dưới 200 tỷ đồng và thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, cũng như đạt tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế TNDN trên doanh thu, bao gồm các lĩnh vực như sau: phân phối (từ 5%); sản xuất (từ 10%); gia công (từ 15%); hoặc

  • người nộp thuế chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.


7. Thanh/kiểm tra về giá giao dịch liên kết

Trong những năm gần đây, số lượng các cuộc thanh/ kiểm tra về giá giao dịch liên kết có sự gia tăng rõ rệt, với các cách thức được áp dụng ngày một phức tạp, và các chất vấn thường tập trung vào tính hợp lệ của các đối tượng so sánh độc lập được sử dụng trong các Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết. Hầu hết các cuộc kiểm tra thuế chung hiện nay sẽ bao gồm việc xem xét sự tuân thủ về giao dịch liên kết của người nộp thuế


Mức giới hạn 30% trên lợi nhuận kế toán trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đối với việc tính vào chi phí được trừ của chi phí lãi vay


Theo Nghị định 132, mức giới hạn EBITDA đối với tổng chi phí lãi vay được trừ cho mục đích thuế tăng từ 20% lên 30%. Mức giới hạn này áp dụng đối với chi phí lãi vay thuần (cụ thể là sau khi trừ lãi cho vay và lãi tiền gửi).


Phần chi phí lãi vay không được trừ có thể được chuyển sang kỳ tính thuế trong năm năm tiếp theo. Một số hình thức khoản vay không áp dụng mức giới hạn này, bao gồm lãi suất đối với các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ, các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước.

Các quy định liên quan đến việc thay đổi cách tính lãi và giới hạn khấu trừ được áp dụng hồi tố cho năm 2017 và 2018 với một số điều kiện nhất định.


8. Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (“Thỏa thuận APA”)

Công ty có thể tham gia vào các Thỏa thuận APA đơn phương, song phương hoặc đa phương với cơ quan thuế. Tổng cục Thuế đang trong giai đoạn đàm phán với cơ quan thuế của các quốc gia khác để có thể thống nhất toàn bộ nội dung và tiến hành kí kết Thỏa thuận APA song phương đầu tiên cho một số công ty có hồ sơ xin áp dụng.


9. RSM Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?

Các dịch vụ của chúng tôi bao gồm:

  • Thực hiện các nghĩa vụ tuân thủ (lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết bao gồm hồ sơ quốc gia, hồ sơ tập đoàn toàn cầu và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, tờ khai giao dịch liên kết)

  • Lập/ soát xét các chứng từ và chính sách hỗ trợ liên quan đến việc xác định giá giao dịch liên kết;

  • Hoạch định và tái cấu trúc liên quan đến việc xác định giá giao dịch liên kết;

  • Hỗ trợ đàm phán trường hợp doanh nghiệp bị kiểm tra về xác định giá giao dịch liên kết;

  • Cập nhật các quy định về giá chuyển nhượng trong giao dịch liên kết


CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:





338 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page