Việc theo dõi, giám sát và kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kiểm toán luôn được Bộ Tài chính chú trọng triển khai trong thời gian qua. Công tác này tiếp tục được Bộ Tài chính đẩy mạnh, đặc biệt là kiểm tra, giám sát kiểm toán doanh nghiệp niêm yết nhằm bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch.
Theo Bộ Tài chính, qua việc theo dõi, giám sát và kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp kiểm toán, về cơ bản các doanh nghiệp kiểm toán được kiểm tra đã tuân thủ quy định pháp luật về kiểm toán độc lập và pháp luật có liên quan trong việc thực hiện kiểm toán.
Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp kiểm toán có hồ sơ kiểm toán chưa đạt yêu cầu, đưa ý kiến kiểm toán chưa phù hợp theo quy định của chuẩn mực kiểm toán làm ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, các công ty đại chúng.
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, công chúng, góp phần phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường chứng khoán, ngày 1/4/2022, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3006/BTC-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.
Trong đó, Bộ trưởng giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán và Thanh tra Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng. Chú ý đối với các doanh nghiệp có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót, dẫn đến phải sửa đổi… làm thay đổi đáng kể tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Để tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững, ngày 4/4/2022, Bộ Tài chính tiếp tục có Công văn số 3065/BTC-KTKT gửi Tổng Giám đốc/Giám đốc các doanh nghiệp kiểm toán có các biện pháp chấn chỉnh để đảm bảo chất lượng báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp.
Theo đó, để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng Giám đốc/Giám đốc các doanh nghiệp kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề và các thành viên nhóm kiểm toán tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan. Nắm vững và thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật có liên quan đến báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán. Lưu ý những khu vực có rủi ro cao khi kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng.
Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu, trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện đơn vị được kiểm toán là các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng và các đơn vị có lợi ích công chúng khác không tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan đến lập và trình bày báo cáo tài chính được kiểm toán thì phải thông báo bằng văn bản và kiến nghị đơn vị được kiểm toán có biện pháp ngăn ngừa, sửa chữa và xử lý sai phạm.
Trường hợp đơn vị được kiểm toán không sửa chữa và xử lý sai phạm thì phải ghi ý kiến vào báo cáo kiểm toán hoặc thư quản lý theo quy định của chuẩn mực kiểm toán. Sau khi phát hành báo cáo kiểm toán, nếu nghi ngờ hoặc phát hiện đơn vị được kiểm toán có những sai phạm trọng yếu do không tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan đến báo cáo tài chính đã được kiểm toán thì phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị được kiểm toán và người thứ ba theo quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.
Đồng thời, doanh nghiệp kiểm toán phải thông báo những sai phạm trên cho cơ quan có thẩm quyền chấp thuận là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (đối với khách hàng là đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán) và Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (đối với khách hàng là đơn vị có lợi ích công chúng khác) và cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định pháp luật...
Bộ Tài chính yêu cầu Tổng Giám đốc/Giám đốc các doanh nghiệp kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề, các thành viên nhóm kiểm toán kịp thời chấn chỉnh hoạt động kiểm toán và thực hiện đúng các yêu cầu của pháp luật về kiểm toán.
Commentaires