Giao dịch liên kết - Thời gian qua ngành Thuế luôn chú trọng trong công tác thanh tra, nhất là đối với doanh nghiệp có nhiều rủi ro về thuế để chống thất thu ngân sách triệt để. Theo thống kê năm vừa qua, Tổng cục Thuế đã tiến hành hơn 96.343 cuộc thanh tra, kiểm tra hơn 517.554 hồ sơ khai thuế từ doanh nghiệp, qua đó xử phạt và tiến hành truy thu hơn 64.525 tỷ đồng tiền thuế.
Trong nhiều doanh nghiệp bị truy thu xử phạt về hành vi chuyển giá, có rất nhiều ông lớn có vốn đầu tư nước ngoài và cũng có nhiều doanh nghiệp “tai to mặt lớn” tại Việt Nam với mức phạt thuế “khủng”.
Điển hình như Tổng cục Thuế ban hành quyết định xử phạt hành chính về thuế hơn 821 tỷ đồng đối với Công ty Coca Cola Việt Nam, trong đó, số tiền thuế truy thu với doanh nghiệp này là hơn 471 tỷ đồng bao gồm: 359 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, 60 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và gần 52 tỷ đồng thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài. Coca-Cola Việt Nam cũng bị phạt số tiền lãi chậm nộp theo luật tính đến hết ngày 16/12/2019 là 288,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng số tiền Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỉ đồng. Lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin, hiện doanh nghiệp này đã nộp 471 tỷ đồng tiền bị truy thu.
Khi đề cập đến giao dịch liên kết, hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến hoạt động chuyển giá, và cho rằng giao dịch liên kết chỉ liên quan đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp Việt Nam thường thờ ơ, không biết mình cũng thuộc đối tượng cần tuân thủ quy định về Quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Do vậy sẽ có rủi ro về thuế đối với các doanh nghiệp Việt khi họ phát sinh giao dịch liên kết.
Vậy lãnh đạo doanh nghiệp Việt nên làm gì để tối ưu lợi ích về thuế trong giao dịch liên kết trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu?
Giao dịch liên kết là gì?
Giao dịch liên kết là mối quan hệ phát sinh giữa các bên liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ, vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính, mua, bán, trao đổi, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình, thỏa th uận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực, chia sẻ chi phí giứa các bên liên kết.
Người nộp thuế có giao dịch liên kết phải thực hiện các giao dịch liên kết ngoại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với giao dịch tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.
Các trường hợp doanh nghiệp thuộc diện quan hệ liên kết
Trường hợp 1: Quan hệ về sở hữu vốn (25%, 10% tùy trường hợp):
Một DN nắm giữ ≥ 25% vốn góp của chủ sở hữu DN khác.
Một DN là cổ đông lớn nhất về vốn góp, nắm giữ ≥ 10% tổng số cổ phần của chủ sở hữu DN khác.
Hai DN đều có ≥ 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ.
Một hoặc nhiều DN chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào DN đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành DN.
Trường hợp 2: Quan hệ về vay vốn (25%, 10% tùy trường hợp):
Một DN bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay.
Trường hợp 3: Quan hệ về quyền quyết định, biểu quyết (trên 50%):
Một DN chỉ định thành viên (> 50% tổng số thành viên) ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một DN khác.
Hai DN cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba.
Các trường hợp khác trong đó DN chịu sự điều hành, kiểm soát quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN kia.
Trường hợp 4: Quan hệ về họ hàng, quen thuộc (Quan hệ nội, ngoại 3 đời):
Hai DN được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ gia đình.
Trường hợp 5: Quan hệ về thường trú (Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài).
Các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế. Phần chi phí lãi vay vượt 30% sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo, thời gian chuyển liên tục không quá 5 năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc diện các bên có quan hệ liên kết phải có trách nhiệm tự kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, tự chứng minh nghĩa vụ thuế của mình gồm 2 phần.
Phần 1: Nộp cùng tờ khai quyết toán thuế TNDN.
Phần 2: Trách nhiệm lưu giữ và cung cấp hồ sơ khi cơ quan thuế yêu cầu.
Cơ quan thuế có quyền ấn định tỷ lệ lợi nhuận đối với các doanh nghiệp không tuân thủ kê khai, không cung cấp hồ sơ theo quy định.
Các nhà quản trị doanh nghiệp cần làm gì để tối ưu lợi ích về thuế?
Hiểu và nắm được định nghĩa giao dịch liên kết để cấu trúc lại mối quan hệ giữa công ty mẹ con, các thành viên trong nhóm các công ty, nhóm tập đoàn.
Hiểu mức khống chế lãi vay để cấu trúc lại các khoản vay, hạn chế bị khống chế chi phí lãi vay hợp lý mà không được khấu trừ khi tính thuế TNDN.
Hiểu và nắm được các nội dung phải kê khai giao dịch liên kết để không bỡ ngỡ, không bị động vì nội dung này theo pháp luật về thuế là phải kê khai, nhưng theo doanh nghiệp lại là thông tin nội bộ cần bảo mật:
Giá bán sản phẩm
Đặc tính sản phẩm
Điều kiện giao hàng
Quan hệ mua bán các bên
Báo cáo lợi nhuận công ty mẹ tối cao, báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
Hỗ trợ của RSM Việt Nam với các doanh nghiệp
Với kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp lập hơn 300 bộ hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, kèm theo đó là đội ngũ chuyên gia tư vấn dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong những vấn đề sau:
Hỗ trợ Doanh nghiệp tuân thủ với các quy định về thuế và xác định giá giao dịch liên kết;
Cung cấp cho doanh nghiệp các công cụ quan trọng để giảm thiểu thời gian và công sức khi giải quyết các câu hỏi của cơ quan thuế khi có thanh tra thuế hoặc thanh tra việc xác định giá giao dịch liên kết;
Hỗ trợ doanh nghiệp giảm nhẹ mức xử phạt có thể bị áp dụng trong trường hợp cơ quan thuế điều chỉnh giá giao dịch liên kết mà doanh nghiệp đã xác định; và
Tăng cường việc kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ nguyên tắc xác định giá giao dịch liên kết, bao gồm việc xác định sớm những điều chỉnh cần thiết và các cơ hội lập kế hoạch thuế và xác định giá giao dịch liên kết.
Xem thêm các bài viết liên quan
Comments