Với hành lang pháp lý về giao dịch liên kết được quy định trong thời gian vừa qua và gần đây nhất là Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì các doanh nghiệp phải kê khai giao dịch liên kết và nộp cùng tờ khai quyết toán thuế TNDN năm. Tuy nhiên, Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã có thêm nhiều quy định sửa đổi, bổ sung liên quan đến việc xác định các bên liên kết khiến nhiều kế toán DN gặp bỡ ngỡ, khó khăn khi xác định và thường bỏ sót các giao dịch này. Với kinh nghiệm hỗ trợ các DN lập tờ khai giao dịch liên kết nhiều năm của RSM, sau đây là một số giao dịch liên kết mà doanh nghiệp thường bỏ sót khi kê khai, quyết toán thuế TNDN.
1. Giao dịch vay vốn với ngân hàng thương mại có phải là giao dịch liên kết hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về các bên có quan hệ liên kết:
“d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.”
Căn cứ quy định nêu trên trường hợp Công ty có vay vốn ngân hàng với khoản vốn vay lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu của Công ty và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của Công ty thì giữa Công ty và Ngân hàng được xác định là có quan hệ liên kết. Khi đó các giao dịch phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là giao dịch liên kết.”
Điều này đã được Tổng cục Thuế trả lời chi tiết trên trang web ngày 18/03/2021. Mặc dù vậy, quy định nêu tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020 không phải là quy định mới, bởi từ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã có quy định này, và đến nay, quy định trên đã thực hiện liên tục được gần 05 năm, qua 03 kỳ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2017, 2018, 2019, tuy nhiên chưa có doanh nghiệp nào và cũng chưa có cơ quan thuế nào xác định quan hệ cho vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp là giao dịch liên kết. Chính vì vậy, sau khi nhận được hướng dẫn từ Hội thảo của Tổng cục thuế, doanh nghiệp cần lưu ý bổ sung thêm giao dịch vay vốn với ngân hàng thương mại vào tờ khai GDLK của DN.
2. Doanh nghiệp mượn tiền của giám đốc Công ty có được xem là giao dịch liên kết không?
Tổng Cục thuế cũng đã căn cứ vào điểm d và điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để trả lời ngày 18/03/2021 trên trang web như sau:
“Trường hợp Công ty mượn tiền của chủ doanh nghiệp đồng là người đại diện pháp luật điều hành, kiểm soát doanh nghiệp với số tiền lớn hơn 10% vốn chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch vay mượn tiền giữa Công ty với chủ doanh nghiệp là giao dịch liên kết.”
3. Thuê nhà của giám đốc làm văn phòng có phải là giao dịch liên kết không?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về các bên có quan hệ liên kết không thấy đề cập đến trường hợp thuê nhà của giám đốc làm văn phòng, do đó trường hợp này không phải là giao dịch liên kết.
4. Vay không lãi suất của các cá nhân có mối quan hệ gia đình
Tổng Cục thuế đã trả lời ngày 18/03/2021 trên trang web như sau:
“Tại điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này. “
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty mượn tiền của một cá nhân mà cá nhân đó có quan hệ gia đình với cổ đông (là người điều hành, kiểm soát doanh nghiệp) với số tiền lớn hơn 10% vốn chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch vay mượn tiền giữa Công ty với cá nhân có quan hệ gia đình với cổ đông đó là giao dịch liên kết.
Doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết có nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo quy định của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.”
Trên đây là một số trường hợp doanh nghiệp thường gặp khó khăn, phân vân khi xác định các bên liên kết theo quy định mới của Nghị định 132. Tuy nhiên, trên thực tế, còn rất nhiều trường hợp DN gặp khó khăn khi xác định chính xác các mối quan hệ liên kết.
5. RSM Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?
Các chuyên gia thuế của chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp cho doanh nghiệp các dịch vụ hữu ích để đảm bảo tính tuân thủ, đồng thời giúp doanh nghiệp nhận diện được mọi rủi ro tiềm ẩn về thuế và cơ hội tiết kiệm thuế. Hơn thế nữa, với mối quan hệ công tác nhiều năm với Tổng Cục thuế, các cục thuế địa phương và các cơ quan khác của Chính phủ, chúng tôi còn hỗ trợ các doanh nghiệp làm việc hiệu quả hơn với Chính phủ và cơ quan thuế:
Các dịch vụ của chúng tôi bao gồm:
Dịch vụ hỗ trợ lập tờ khai quyết toán thuế TNDN;
Dịch vụ soát xét thuế chuyên sâu;
Dịch vụ tư vấn thường xuyên;
Dịch vụ hỗ trợ thanh tra thuế;
Dịch vụ tư vấn theo vụ việc;
Dịch vụ hỗ trợ xin áp dụng hiệp định tránh đánh thuế 02 lần (DTA);
Dịch vụ hỗ trợ quan hệ Chính phủ
Hãy gọi cho chúng tôi ngay hôm nay để cùng tìm hiểu xem các chuyên gia tư vấn thuế của chúng tôi có thể hỗ trợ gì cho công tác tuân thủ thuế TNDN.