top of page
Ảnh của tác giảRSM Việt Nam

Phân tích ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh Covid-19

Trong quý III vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã có sự khởi sắc và phát triển, trong đó có ngành bán lẻ. Tổng tính quý III/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.305.800 tỷ đồng.


Theo báo cáo chuyên sâu về tác động của đại dịch đối với ngành bán lẻ Việt Nam, có khoảng 73% công ty buộc phải tuyên bố phá sản và đóng cửa vĩnh viễn. Song song đó, việc cung cầu và hoạt động bán lẻ cũng bị ảnh hưởng trực tiếp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.


Bối cảnh phức tạp Covid-19 đặt ra thách thức ngành bán lẻ

Các chủ sở hữu bất động sản thương mại vẫn đang cố gắng duy trì kinh tế ổn định giữa đại dịch trước tình hình nhiều người thuê từ chối hoặc kéo dài thời hạn trả tiền thuê nhà vì các cửa hàng đã đóng cửa, các chủ nhà đã và đang trong nỗ lực thương lượng để tìm ra các giải pháp khác vẹn toàn hơn.


Các nhà bán lẻ cũng đang phải vật lộn với những thay đổi trong toàn bộ hệ thống bán hàng, cũng như mô hình kinh doanh ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, khi mà tình trạng phá sản và đóng cửa các cửa hàng ngày càng trầm trọng hơn do sự biến đổi trong hành vi của người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp sang mua hàng online. Thực tế, việc hạn chế tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch đã khiến ngành bán lẻ nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Do đó, sau khi kết thúc quy định giãn cách xã hội của Chính phủ để chống dịch, tổng số doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ đã tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 21%, đồng thời tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.


Điều đáng chú ý là những doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản hầu hết là những nhà bán lẻ truyền thống và thụ động, không có chiến lược kinh doanh trực tuyến linh hoạt để ứng phó với sức ép trên thị trường.


Mặc dù những tổn thất trong việc mua bán trực tiếp là không thể tránh khỏi, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn thể hiện được khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của thị trường khi chuyển dịch sang bán hàng trực tuyến để phần nào cứu vãn doanh thu. Việc chuyển đổi nhanh chóng sang nền tảng kỹ thuật số thay vì bán hàng trực tiếp đã góp phần giúp các nhà bán lẻ truyền thống duy trì ổn định và tăng trưởng trở lại trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, đồng thời vẫn đảm bảo được sức mua sau khi đợt dịch thứ hai bùng phát.



Tuy doanh số bán hàng trực tuyến đạt mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn so với phân khúc bán lẻ truyền thống cùng nhiều thay đổi đáng kể trong thời kỳ đại dịch, thế nhưng trên thực tế, doanh thu từ bán lẻ trực tuyến vẫn chỉ đóng góp khoảng 4% trong tổng doanh thu toàn ngành. Dù vậy, các doanh nghiệp cũng cần phải đẩy mạnh và phát triển tối ưu mô hình kinh doanh trực tuyến, không chỉ để đảm bảo cho sự tồn tại bền vững trong trường hợp cơn bão đại dịch bùng phát trở lại, mà còn phải sẵn sàng để đón đầu các cơ hội mới khi mà chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trong toàn ngành.


Chuyển đổi kỹ thuật số từ lâu đã không còn là một khái niệm mới trong hệ sinh thái tiêu dùng, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải đối mặt với nhiều thử thách và khó khăn trong việc chuyển dịch ngay trước khi đại dịch xảy ra. Những doanh nghiệp này luôn phải đối diện với nhiều vấn đề trong việc xác định nơi đầu tư hợp lý, cũng như đo lường lợi nhuận trên các khoản đầu tư đó. Sự tăng tốc trong việc chuyển dịch từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến vô hình trung tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp phải đổi mới và thích nghi liên tục.


Không những thế, việc phải quản lý hàng loạt công cụ kỹ thuật số, trong khi kiến thức và kỹ năng công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế, cùng với sự thiếu chắc chắn trong việc đảm bảo tính hiệu quả khi áp dụng kỹ thuật số vào kinh doanh và việc đối mặt với nguy cơ tỷ suất lợi nhuận thấp do có quá nhiều đối thủ cạnh tranh đang ồ ạt phát triển hệ thống mua bán trực tuyến trên thị trường, tất cả đã trở thành rào cản rất lớn khiến nhiều doanh nghiệp e dè khi đứng trước quyết định chuyển dịch sang phương pháp kinh doanh trực tuyến, bất chấp yêu cầu cấp thiết của thị trường.


Dù vấp phải nhiều thách thức và vấn đề, thế nhưng ngày càng có nhiều công ty và nhà bán lẻ không ngừng thay đổi mô hình kinh doanh, đẩy mạnh tìm kiếm và xây dựng các kênh giao tiếp trực tuyến và giao dịch với khách hàng theo cách hiệu quả hơn, thông qua phương pháp bán hàng hiện đại áp dụng chuyển đổi số.


Theo các nghiên cứu gần đây, nhờ vào sự tiến bộ của kỹ thuật và công nghệ đã cho phép quá trình chuyển đổi số trở nên nhanh hơn và thông minh hơn bao giờ hết. Sự thay đổi này đã và đang vô tình tạo ra sự chuyển đổi trong cách thức vận hành của các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, những điều mà trước đây chưa thực sự chú ý để có thể kịp thời chuẩn bị và thích ứng. Doanh nghiệp bất kể quy mô lớn hay nhỏ nếu không thuận theo dòng chảy của thị trường để tối ưu hóa lợi nhuận và thích nghi kịp thời thì rất dễ đứng ngoài cuộc chơi, dẫn đến hậu quả hàng loạt doanh nghiệp sẽ không thể bắt kịp thị trường và buộc phải đóng cửa.


Ông Lê Khánh Lâm - P. Tổng Giám đốc RSM Việt Nam


Việc áp dụng kỹ thuật số vào kinh doanh giúp cho các doanh nghiệp không chỉ giải quyết được các vấn đề về tài chính, vận chuyển, quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ, mà còn góp phần giúp cho quá trình thanh toán, tương tác và chăm sóc với khách hàng được thuận lợi và nhanh chóng hơn bao giờ hết.


Đối với các nhà bán lẻ, việc hiểu biết về sự thay đổi trong thói quen cũng như hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong điều kiện ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào kinh doanh trong bối cảnh phức tạp của tình hình kinh tế trong nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, việc chuyển đổi số vẫn luôn là một bài toán hóc búa tác động đến mọi ngóc ngách của các doanh nghiệp và đòi hỏi đội ngũ quản lý phải bước ra khỏi vùng an toàn để đưa ra những quyết định táo bạo nhằm tạo ra đột phá cho công ty. Đặc biệt, với lĩnh vực phân phối bán lẻ, vấn đề quan trọng nhất của việc áp dụng kỹ thuật số vào kinh doanh là thay đổi tư duy bán hàng, cách tiếp cận cũng như ứng dụng công nghệ mới một cách thuần thục, có như vậy mới có thể phát huy hết lợi ích của chuyển đổi số nhằm đảm bảo cho sự tồn tại bền vững và nội lực dài hạn, đồng thời không bị đào thải khỏi dòng chảy của nền kinh tế hiện đại. Đây cũng là thời điểm quan trọng cho sự thúc đẩy chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại.


Đối với các nhà bán lẻ, việc hiểu biết về sự thay đổi trong thói quen cũng như hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong điều kiện ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào kinh doanh trong bối cảnh phức tạp của tình hình kinh tế trong nước. Có thể nói, sự tiện lợi đang dần lên ngôi trong xu thế chuyển đổi số của thị trường. Nắm bắt được điều đó, các doanh nghiệp nói chung, cũng như các nhà bán lẻ nói riêng nên xây dựng cho mình các chiến lược cụ thể và tối ưu để có thể gia tăng năng lực cạnh tranh và đối phó với sự biến đổi liên tục của toàn ngành khi cần thiết.


Năm 2020 tuy không phải là năm cho sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, nhưng nó mang lại cho các nhà kinh doanh nói riêng, cũng như toàn ngành bán lẻ nói chung những cơ hội mới để vượt qua sự suy thoái của nền kinh tế. Về lâu dài, các công ty nên đề ra một chiến lược kỹ thuật số mạnh mẽ hơn để có thể đẩy mạnh doanh thu, giữ vững vị thế và tăng trưởng trở lại khi hậu quả của đại dịch qua đi.


Tác giả: Ông Lê Khánh Lâm - P. Tổng giám đốc RSM Việt Nam



415 lượt xem

Comments


ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page