Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ: Về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
1. Nội dung của Nghị quyết số 33/NQ-CP là gì?
Nghị quyết số 33/NQ-CP tập trung vào việc giải quyết các khó khăn và thúc đẩy phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Trong năm 2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt và hiệu quả để đảm bảo ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, và cải thiện đời sống nhân dân.
Thị trường bất động sản đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhưng trong năm 2022, thị trường này gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới và nội địa đang trong quá trình phục hồi, cùng với các hạn chế liên quan đến hệ thống pháp luật, tồn tại về nguồn cung bất động sản, và khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và ban hành nhiều chỉ đạo để giải quyết tình hình này, thúc đẩy phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững của thị trường bất động sản.
Theo Thủ tướng chính phủ, cũng như các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, thị trường bất động sản có lúc thuận lợi và lúc khó khăn, các doanh nghiệp có lúc lãi và có lúc lỗ, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta cần phát hiện kịp thời các vấn đề nổi lên, các khó khăn, vướng mắc, đánh giá đúng nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, đại diện các bộ ngành, bao gồm Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong quý II/2023, nguồn cung bất động sản, nhà ở vẫn hạn chế, chỉ có 7 dự án với 2.424 căn (852 căn hộ; 1.572 căn nhà ở riêng lẻ), số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với quý I/2023 và bằng khoảng 29,17% so với quý II/2022, việc triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn…
Theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo (58/63 tỉnh), trong quý II/2023 có 96.977 giao dịch thành công, trong đó: Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ: có 29.725 giao dịch thành công và bằng khoảng 75,61% so với quý I/2023, bằng khoảng 43,03% so với quý II/2022; lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với 67.525 giao dịch thành công và bằng khoảng 99,98% so với quý I/2023, bằng khoảng 31,57% so với quý II/2022.
Về giá, trong quý II/2023 giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM được đánh giá là có những khu vực tăng dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại. Giá bán bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao.
Nghị quyết 33 đặt ra mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường BĐS. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp BĐS khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…); tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án BĐS nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, BĐS phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HOREA) khẳng định, Nghị quyết số 33/NQ-CP ( Nghị quyết 33) ngày 11/03/2023 của Chính phủ đã đánh giá chính xác tình hình thị trường BĐS hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và điều quan trọng nhất là Nghị quyết Chính phủ đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn bó hữu cơ với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới và nền kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp và đứng trước những thách thức rất lớn với các nhân tố bất định, khó lường.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Chính phủ đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp rất đúng, rất trúng và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh và chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp BĐS theo quan điểm “Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”. Khi thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh khu đô thị, khu nhà ở thì phải “quy hoạch, đầu tư phát triển hệ sinh thái BĐS công nghiệp, BĐS dịch vụ, du lịch và BĐS nhà ở đô thị để hài hòa giữa cung và cầu; nhà ở phải có người ở, muốn có người ở thì phải phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp dịch vụ, hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ”.
Comentarios