top of page
vanhoang4

Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài

Ngày 30/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (Thông tư 12/2022/TT-NHNN thay thế Thông tư 03/2016/TT-NHNN, Thông tư 05/2016/TT-NHNN, Thông tư 05/2017/TT-NHNN).


Trên nguyên tắc kế thừa những quy định trước đây đang được áp dụng hiệu quả tại các Thông tư cũ, Thông tư 12/2022/TT-NHNN có sự sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp cũng như mục tiêu quản lý của Ngân hàng Nhà nước (“NHNN”). Cụ thể như sau:


1. Chế độ báo cáo đối với bên đi vay:


Định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo, bên đi vay phải báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và dài hạn tại Trang điện tử. Trường hợp Trang điện tử gặp lỗi kỹ thuật không thể gửi được báo cáo, bên đi vay gửi báo cáo bằng văn bản theo quy định.


Thông tư 12/2022/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2022. Do đó, kỳ báo cáo đầu tiên thực hiện theo Thông tư 12 là báo cáo tháng 11/2022 (thời hạn nộp báo cáo chậm nhất là ngày 05/12/2022, số liệu báo cáo tháng 11/2022 là số liệu phát sinh trong tháng 10/2022 và 11/2022, số dư đầu kỳ báo cáo tháng 11/2022 bằng số dư cuối kỳ báo cáo quý 3/2022).


Trường hợp vi phạm các quy định về vay, trả nợ nước ngoài nói chung và chế độ báo cáo nói riêng, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.



2. Khoản vay phải thực hiện đăng ký với NHNN bao gồm:


Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.


Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.


Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.


Hiện hành Thông tư 03/2016/TT-NHNN quy định: trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành việc trả nợ Khoản vay trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.


3. Các trường hợp phải đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài:


Bên đi vay phải đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với NHNN nếu thay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến khoản vay được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của NHNN, trừ trường hợp:

  • Thay đổi thời gian rút vốn, trả nợ gốc trong vòng 10 ngày làm việc so với kế hoạch đã được NHNN xác nhận;

  • Thay đổi địa chỉ của bên đi vay nhưng không thay đổi tỉnh, thành phổ nơi bên đi vay đặt trụ sở chính;

  • Thay đổi bên cho vay, các thông tin liên quan về bên cho vay trong khoản vay hợp vốn có chỉ định đại diện các bên cho vay, trừ trường hợp bên cho vay đồng thời là đại diện các bên cho vay và việc thay đổi đó làm thay đổi vai trò đại diện các bên cho vay;

  • Thay đổi tên giao dịch thương mại của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản, ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm;

  • Thay đổi kế hoạch trả lãi, phí của khoản vay so với kể hoạch đã được NHNN xác nhận nhưng không thay đổi cách xác định lãi, phí quy định tại thỏa thuận vay;

  • Thay đổi số tiền rút vốn, trả nợ gốc, lãi, phí trong phạm vi 100 đơn vị tiền tệ của đồng tiền vay nước ngoài so với số tiền đã đăng ký;

  • Thay đổi số tiền rút vốn, trả nợ gốc thực tế của một kỳ cụ thể ít hơn số tiền được nêu tại kế hoạch rút vốn, trả nợ.


Trong quá trình thực hiện, nếu Doanh nghiệp gặp vướng mắc, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.




479 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page