Hiện nay có rất nhiều công ty và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới áp dụng xác định giá chuyển nhượng (Transfer Pricing) để tránh thuế tại chính quốc gia sở tại. Các công ty đa quốc gia (MNC) được phép sử dụng hợp pháp phương thức định giá chuyển nhượng để phân bổ thu nhập giữa các công ty con và công ty liên kết khác là một phần của tổ chức mẹ. Tuy nhiên, đôi khi các công ty cũng lạm dụng phương pháp định giá này để thay đổi thu nhập của họ, từ đó tác động làm giảm thuế.
Nội dung chính:
“Xác định giá chuyển nhượng (thường được gọi là chuyển giá) trong thuế và kế toán đề cập đến các quy tắc và phương pháp xác định mức giá cho các giao dịch giữa các doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết. Do các giao dịch xuyên biên giới giữa những bên có mối quan hệ liên kết có thể dẫn đến chênh lệch về thu nhập chịu thuế, cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể điều chỉnh giá chuyển nhượng nội bộ khác với các doanh nghiệp độc lập được giao dịch theo nguyên tắc thị trường (nguyên tắc giao dịch độc lập)”
1. Những cách thức xác định giá chuyển nhượng (chuyển giá) phổ biến
1.1 Nâng giá tài sản cố định khi góp vốn đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp trong nước (doanh nghiệp FDI) bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên cao hơn nhiều so với giá trị thực. Bằng việc tính giá tài sản cố định cao hơn thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã nâng khống số vốn góp, gây thất thu cho ngân sách; đồng thời số khấu hao tài sản cố định tăng lên tương ứng làm tăng giá thành sản phẩm dẫn đến giảm lãi hoặc bị lỗ, do đó doanh nghiệp chỉ cần nộp ít hoặc không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) ở Việt Nam.
1.2 Nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu
Doanh nghiệp FDI nhập mua nguyên vật liệu từ các bên có quan hệ liên kết với mức giá cao hơn mức giá thị trường, làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, từ đó làm giảm lãi hoặc bị lỗ.
1.3 Nhận chuyển giao tài sản vô hình/ dịch vụ
Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các công ty con thường chuyển giao một số tài sản vô hình/ cung cấp một số dịch vụ như: chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, cung cấp dịch vụ quản lý chung, hỗ trợ mua hàng, kiểm định chất lượng, hỗ trợ công nghệ thông tin…Doanh nghiệp FDI có thể thực hiện chuyển giá thông qua việc định giá cao cho các tài sản vô hình được chuyển giao/ dịch vụ được cung cấp.
1.4 Nhận khoản vay với lãi suất cao
Một hình thức phổ biến khác là doanh nghiệp FDI nhận khoản vay từ các bên có quan hệ liên kết với lãi suất vay vượt quá quy định thông thường.
1.5 Giảm giá bán hàng hóa
Doanh nghiệp FDI cũng có thể chuyển giá thông qua việc áp dụng giá bán hàng hóa cho các bên có quan hệ liên kết với mức thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết, từ đó làm giảm lợi nhuận và giảm thuế tương ứng.
1.7 Chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam)
Chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế TNDN và thời gian miễn, giảm thuế TNDN;
1.8 Chuyển giá giữa các doanh nghiệp trong nước
Chuyển giá giữa các doanh nghiệp trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau.
2. Những trường hợp chuyển giá điển hình
2.1 Adidas
Cụ thể, theo lãnh đạo của Cục thuế TP.HCM, Adidas Việt Nam hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh là quyền phân phối bán buôn, nhưng danh mục chi phí của doanh nghiệp này lại xuất hiện nhiều chi phí của một doanh nghiệp bán lẻ, như chi phí hỗ trợ vật dụng cho nhà bán lẻ, tiền tiếp thị quốc tế, phí quản lý vùng, tiền hoa hồng mua hàng và đặc biệt, Adidas Việt Nam không phải là nhà sản xuất, nhưng phát sinh khoản tiền bản quyền.
Thực tế, Adidas Việt Nam thanh toán cho Công ty Adidas AG phí bản quyền 6%, chi phí tiếp thị quốc tế 4% doanh thu ròng đối với các sản phẩm được tiêu thụ và cả giá trị sản phẩm được cấp phép. Ngoài ra, Adidas Việt Nam cũng phải trả chi phí hoa hồng mua hàng cho Adidas International Trading B.V, với tỷ lệ 8,25% giá trị mỗi giao dịch.
Bên cạnh đó, theo hợp đồng dịch vụ Đông Nam Á giữa Adidas Singapore và Adidas Việt Nam, Adidas Singapore và các công ty con địa phương, trong đó có Adidas Việt Nam cung cấp một dịch vụ và thỏa thuận việc thu các khoản phí liên quan. Chính vì phát sinh quá nhiều chi phí trung gian đầu vào đã khiến cho giá thành nhập khẩu các sản phẩm Adidas tại thị trường Việt Nam bị đội lên một cách vô lý, làm cho Adidas Việt Nam luôn rơi vào tình trạng thua lỗ và không phải nộp thuế thu nhập.
2.2 Metro Việt Nam
Metro Việt Nam bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam từ đầu năm 2002 với số vốn ban đầu là 120 triệu USD, trong đó vốn pháp định là 36 triệu USD. Sau khoảng 12 năm hoạt động, 2002-2013, Metro Việt Nam đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư tại Metro Việt Nam lên hơn 301 triệu USD vào tháng 5/2013.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2002 - 2013, chi phí nhượng quyền thương mại mà Metro Việt Nam phải trả cho công ty mẹ ở Đức đã lên tới 731 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Cary GmbH (MCC) tại Đức cũng là một con số rất lớn, lên tới 699 tỉ đồng.
3. Mức xử phạt khi doanh nghiệp vi phạm chuyển giá trong giao dịch liên kết
Cơ quan thuế có quyền ấn định thuế
Doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
Người nộp thuế không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin hoặc không nộp Mẫu số 01 .
Người nộp thuế cung cấp không đầy đủ thông tin Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Mẫu số 02, Mẫu số 03.
Không có Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong vòng 15 ngày quyết định thanh tra.
Người nộp thuế sử dụng các thông tin về giao dịch độc lập không trung thực. Hoặc dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ. Hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận áp dụng.
Xử phạt vi phạm xác định giá giao dịch liên kết (chuyển giá)
Mức xử phạt chuyển giá trong giao dịch liên kết gồm
Phạt từ 10% – 20% đối với số tiền thuế bị truy thu.
Tính tiền lãi chậm nộp 0,03%/ngày đối với số tiền thuế bị truy thu.
Phạt trốn thuế từ một đến ba lần số thuế bị truy thu, tùy thuộc vào bản chất.
4. Doanh nghiệp nên làm gì khi phát sinh giao dịch với bên liên kết – Tránh những rủi ro về thuế
Theo kinh nghiệm RSM Việt Nam, doanh nghiệp nên thực hiện kê khai đầy đủ phụ lục và lập đầy đủ bộ hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết. Khi đó, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập. Một khi doanh nghiệp không tuân thủ, cơ quan thuế có quyền ấn định trực tiếp. Lúc đó thì tỷ lệ lợi nhuận ấn định sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan thuế. Thường đối tượng được lựa chọn để so sánh sẽ là những doanh nghiệp có lãi cao như vậy sẽ rất bất lợi cho doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch với các bên liên kết, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì việc không tuân thủ các yêu cầu về nộp tờ khai và hồ sơ giải trình có thể dẫn đến rủi ro bị đánh giá lại giá giao dịch hoặc lợi nhuận tính thuế cùng với các khoản phạt và lãi chậm nộp. Những điều chỉnh này còn có thể dẫn đến các hậu quả lớn hơn về hồ sơ thuế bị thay đổi cũng như việc bị truyền thông đại chúng tiêu cực.
Do đó, với đội ngũ chuyên gia tư vấn giá chuyển nhượng dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập hồ sơ giá chuyển nhượng, tư vấn giá chuyển nhượng với những vấn đề sau:
Hỗ trợ Doanh nghiệp tuân thủ với các quy định về thuế và xác định giá giao dịch liên kết;
Cung cấp cho Doanh nghiệp các công cụ quan trọng để giảm thiểu thời gian và công sức khi giải quyết các câu hỏi của cơ quan thuế khi có thanh tra thuế hoặc thanh tra việc xác định giá giao dịch liên kết;
Hỗ trợ doanh nghiệp giảm nhẹ mức xử phạt có thể bị áp dụng trong trường hợp cơ quan thuế điều chỉnh giá giao dịch liên kết mà doanh nghiệp đã xác định; và
Tăng cường việc kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ nguyên tắc xác định giá giao dịch liên kết, bao gồm việc xác định sớm những điều chỉnh cần thiết và các cơ hội lập kế hoạch thuế và xác định giá giao dịch liên kết.
5. Kết luận
Xác định giá chuyển nhượng trong giao dịch liên kết là một chủ đề quan trọng của thuế trong mỗi doanh nghiệp, tập đoàn. Bài viết đã chia sẻ với bạn về một số các xác định giá chuyển nhượng phổ biến hiện nay. Nếu bạn quan tâm đến chủ đề này, hãy liên hệ với RSM Việt Nam để nhận được tư vấn thuế từ những chuyên gia hàng đầu và dịch vụ chuyên nghiệp được đúc kết từ Sức Mạnh Của Việc Thấu Hiểu. Hotline tư vấn dịch vụ: +84 988 139 090
Tìm hiểu thêm về dịch vụ của chúng tôi:
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Kommentarer